Thủ tướng Anh Theresa May.
Ngày 19/3, tại Brussels, Anh và liên minh châu Âu tuyên bố đã thống nhất được một phần lớn các nội dung liên quan đến thỏa thuận rút khỏi EU của Anh. Hai bên đều cho rằng, thống nhất đạt được là bước đi quyết định trong tiến trình Brexit, đảm bảo một sự rút khỏi có trật tự của nước Anh. Tuy nhiên, bước đi được xem là quyết định này, vẫn nhận không ít ý kiến trái chiều từ nội bộ chính trường Anh.
Anh và EU đi đến thống nhất về 6 nội dung chính sẽ có một giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit, kéo dài 21 tháng từ 29/3/2019 đến 31/12/2020. Trong giai đoạn này, công dân 2 nước được đảm bảo các quyền tương đương thời điểm Anh vẫn là thành viên EU, Anh có thể đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại riêng với tư cách nước ngoài liên minh, Anh vẫn được giữ các quan hệ thương mại hiện có với các thành viên EU khác, Anh vẫn giữ nguyên mức quy định đánh bắt hiện hành theo chính sách đánh bắt thuỷ sản chung của khối. Nội dung gây phản ứng nhiều nhất là, Bắc Ireland vẫn là thành viên của khu vực thị trường chung và liên minh thuế quan, cho đến khi có giải pháp tốt hơn.
Thủ tướng Anh Theresa May cho rằng, nội dung cuối cùng này là không thể chấp nhận vì sẽ ảnh hưởng đến vấn đề chủ quyền của Anh, khiến Anh phải thiết lập hàng rào hành chính mới giữa Bắc Ireland và phần còn lại của đất nước. Đại diện Công đảng lại cho rằng, đây là bước đi đúng hướng. Trong khi Scotland kịch liệt chỉ trích thỏa thuận về đánh bắt, cho rằng nội dung này bất lợi với ngành khai thác thủy sản ở Scotland.
Đánh giá về những nội dung sơ bộ đạt được, Thủ tướng Anh cho rằng, hai bên vẫn cần bàn thêm nhiều giải pháp mang tính đặc thù nữa cho nhiều vấn đề còn tồn tại. Thỏa thuận mà nhóm đàm phán gọi là bước đi quyết định sẽ phải chờ được 27 thành viên còn lại của EU thông qua trong tuần này. Giai đoạn từ giờ đến mùa Thu năm nay, các thương thảo sẽ tập trung vào tìm ra một dạng thức quan hệ mới trong tương lai giữa Anh và EU.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!