Tại sao Mỹ và châu Âu tiếp tục tuyên bố trừng phạt Nga?

Hương Linh - Thanh Hoàng-Thứ bảy, ngày 13/09/2014 10:51 GMT+7

Binh sĩ Ukraine ở vùng Dotnesk, miền đông Ukraine. (Ảnh: Reuters)

Tại sao Mỹ và châu Âu tiếp tục tuyên bố trừng phạt Nga khi mà một thỏa thuận ngừng bắn đã được thiết lập ở miền Đông Ukraine với sự bảo trợ của Moscow?

Việc Mỹ và châu Âu gia tăng mức độ trừng phạt Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine là một diễn biến gây lo ngại. Cuộc đối đầu giữa Nga và các nước Phương Tây đã bị đẩy lên một mức mới khi Moscow tuyên bố sẵn sàng cho các biện pháp trả đũa.

Diễn biến này sẽ tác động như thế nào đến các mối quan hệ quốc tế. Chúng ta sẽ cùng theo dõi tổng hợp sau.

Ngày 12/9, những binh lính của Ukraine và lực lượng nổi dậy đã tiến hành cuộc trao đổi 74 tù binh bị bắt trong cuộc xung đột ở khu vực miền Đông Ukraine. Diễn biến này là một dấu hiệu tích cực cho thấy các bên xung đột ở Ukraine đang hiện thực hóa thỏa thuận hòa bình 12 điểm dưới sự trung gian hòa giải của Moscow. Tiếng súng đã lắng dịu ở chiến trường miền Đông Ukraine, mang đến hy vọng về việc vãn hồi hòa bình.

Nhưng các nước Phương Tây vẫn tiếp tục ban bố những lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, bất chấp những tiến triển trên chiến trường Ukraine. Việc Mỹ và EU nâng cấp độ trừng phạt Nga khiến giới phân tích không hề bất ngờ bởi ngay từ trước khi công bố các biện pháp này, Tổng thống Mỹ đã tuyên bố, sẽ đối đầu với Nga nếu Nga tiếp tục cái mà Phương Tây gọi là vi phạm luật pháp quốc tế.

Tổng thống Mỹ Obama cho biết: "Các biện pháp trừng phạt đã được chúng ta áp dụng và đạt kết quả đối với Nga. Nhưng tôi nghĩ rằng, điều quan trọng đối với chúng ta là cần tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt gây thiệt hại cho nước Nga chừng nào họ còn vi phạm những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế”.

Giữa hai bên, Nga và Phương Tây đang mất lòng tin nghiêm trọng. Cuộc khủng hoảng Ukraine là mặt trận để hai bên đối đầu khiến mối quan hệ giữa Nga và Phương Tây rơi xuống mức thấp nhất kể từ sau chiến tranh lạnh.

Tiến sỹ Đỗ Sơn Hải, Trưởng Khoa chính trị Quốc tế, Học viện Ngoại giao nói: “Chúng ta nên nhìn xa hơn về mặt bản chất về lệnh trừng phạt này. Đó là sau sự kiện Crimea và xa nữa là nước Nga có sự vươn lên mạnh mẽ. Phương Tây lo ngại về sự lớn mạnh của Nga, cụ thể biểu hiện là nguyên trạng của châu Âu bị phá vỡ, đe dọa bị phá vỡ. Cho nên, việc gây sức ép với Nga có lẽ còn xa hơn câu chuyện Ukraine”.

Từ khi nước Nga sát nhập Crimea cho đến nay, Nga đã bị Mỹ, các nước thuộc Liên minh châu Âu, Canada, Australia,… ngày càng siết chặt thêm các biện pháp trừng phạt về kinh tế, tài chính, ngân hàng và danh sách những cá nhân bị trừng phạt ngày càng dài thêm. Nếu tiếp tục theo chiều hướng này, những biện pháp đáp trả của Nga sẽ không dừng lại ở vấn đề kinh tế.

Cách đây hai ngày, phát biểu trong một cuộc họp về hiện đại hóa vũ khí tại điện Kremlin, ông Putin đã lên tiếng cảnh báo phương Tây Nga sẽ đáp trả những động thái quân sự mới đây của Mỹ và Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO bằng việc phát triển một loạt vũ khí hạt nhân và thông thường mới.

Tiến sỹ Đỗ Sơn Hải cho biết thêm: “Tuyên bố của ông Putin cho thấy nước Nga không đi theo một cuộc chạy đua vũ trang. Tuy nhiên, việc phải tăng cường hiện đại hóa quân đội nó cũng đã là tín hiệu của một cuộc chạy đua rồi. Nói cách khác, an ninh toàn cầu đang đặt trước một mối đe dọa chính từ sự căng thẳng này. Rất khó lường được là nó sẽ lớn tới mức độ nào nhưng có lẽ là cả hai bên cần nhận thức rõ nguy cơ này để nhanh chóng tháo gỡ, trước khi để nó quá muộn”.

Phương Tây và Nga vẫn đang cần đến nhau rất nhiều trong các vấn đề quốc tế. Cuộc chiến chống lực lượng hồi giáo cực đoan IS mà Mỹ đang phát động, vấn đề Syria, việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran, Triều Tiên, có rất nhiều điểm nóng quốc tế mà Phương Tây cần có sự phối hợp của Nga để giải quyết.

Những lời lẽ công kích lẫn nhau hiện nay giữa Nga và Nato gợi lại bầu không khí thời chiến tranh lạnh, nhưng sự phụ thuộc lẫn nhau trong các vấn đề quốc tế và những bài học rút ra từ quá khứ đối đầu giữa hai cực Đông - Tây trong chiến tranh lạnh sẽ là lý do để các bên tìm ra được giải pháp cho tình trạng hiện nay.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước