Nhiều người biểu tình đã huýt sáo, thổi còi và mang biểu ngữ, tuần hành tại thủ đô Madrid cũng như các thành phố Barcelona, Bilbao, Seville và Granada. Họ cho rằng việc Chính phủ Tây Ban Nha tăng 0,25% lương hưu vẫn không thể "bắt kịp" tình trạng lạm phát vì giá tiêu dùng trong năm ngoái tại nước này đã tăng 1,2%. Người biểu tình cũng cho rằng chính phủ đã hủy hoại hệ thống lương hưu công của Tây Ban Nha.
Lên nắm quyền vào năm 2011 khi Tây Ban Nha đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, chính phủ Thủ tướng Mariano Rajoy đã áp đặt các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" và vấp phải sự chỉ trích gay gắt của phe đối lập khi khuyến khích người Tây Ban Nha đầu tư vào các kế hoạch trợ cấp lương hưu tư nhân, biện pháp bị coi là "tư hữu hóa trợ cấp hưu trí". Tuy nhiên, ông Rajoy cho rằng bảo vệ hệ thống lương hưu công là một ưu tiên hàng đầu và biện pháp này sẽ trở nên khả thi nhờ sự đóng góp của người lao động.
Tây Ban Nha là một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất ở châu Âu, do đó gánh nặng đối với hệ thống lương hưu của nước này sẽ tăng lên trong tương lai khi đến năm 2031 ước tính có 25,6% dân số Tây Ban Nha ở độ tuổi từ 64 tuổi trở lên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!