Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu sang ASEAN

Thái Bình - Ngọc Chí (Phóng viên THVN tại Trung Quốc)-Chủ nhật, ngày 11/06/2023 20:22 GMT+7

VTV.vn - Thúc đẩy thương mại với các nước đang phát triển trở nên cấp thiết với Trung Quốc khi mà xuất sang Mỹ ngày càng khó.

Tháng 5 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang cả ba thị trường trọng điểm là ASEAN, châu Âu và Mỹ đã giảm tới 7,5%, mạnh nhất từ đầu năm. Do đó, Trung Quốc đang thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường ASEAN, trong đó có Việt Nam để bù đắp lại.

Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ tháng 5 giảm đến 18%, sang ASEAN giảm 16%. Để gỡ khó, gần đây Trung Quốc đã đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối với các nước láng giềng để tăng trao đổi hàng hóa. Cảng Quảng Tây ở Vịnh Bắc Bộ hiện đã mở 75 tuyến vận chuyển container, trong đó 34 tuyến vận chuyển đến Việt Nam, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Campuchia... Kim ngạch xuất nhập khẩu từ Quảng Tây sang các nước ASEAN là điểm sáng trong bức tranh ngoại thương ảm đạm của Trung Quốc.

Ông Châu Quý An - Trợ lý Tổng giám đốc cảng Khâm Châu, Quảng Tây, Trung Quốc cho biết: "Việt Nam, Singapore, Malaysia là những đối tác thương mại lớn và ngày càng phát triển mạnh, chúng tôi ngày càng nâng cao chất lượng phục vụ, nhất là tối ưu hóa vận chuyển đường sắt kết hợp với đường biển để giảm mạnh giá thành vận chuyển".

Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu sang ASEAN - Ảnh 1.

Trước những khó khăn, Trung Quốc xác định tận dụng cơ hội với những đối tác chiến lược để bù đắp cho ngoại thương đi xuống. ASEAN, Trung Á, RCEP trở thành những động lực chính. ASEAN vẫn là đối tác thương mại số 1 của Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm, với kim ngạch 2590 tỷ Nhân dân tệ, 385 tỷ USD, chiếm 15% tổng ngoại thương của Trung Quốc. RCEP chiếm 30% tổng ngoại thương của Trung Quốc, với kim ngạch xuất nhập khẩu 5 tháng tăng nhẹ.

Ông Hứa Anh Minh - Giám đốc Viện nghiên cứu Thị trường quốc tế, Trung Quốc: "Khi những lợi ích của RCEP tiếp tục được giải phóng và Vành đai và Con đường có những bước đi vững chắc, thương mại nước ngoài của Trung Quốc sẽ phát triển mạnh với RCEP, ASEAN và các nước, với kinh tế kỹ thuật số, xe điện, thương mại điện tử xuyên biên giới.

Nhiều tổ chức dự báo khi nhu cầu thế giới giảm, xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tiếp tục khó. Do đó, thúc đẩy thương mại với các nước đang phát triển trở nên cấp thiết với Trung Quốc khi mà xuất sang Mỹ ngày càng khó, thỏa thuận đầu tư EU - Trung Quốc gặp cản ngại. Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường ASEAN khó bù đắp vào sự sụt giảm từ hai thị trường EU và Mỹ. Bởi năm 2023 IMF dự báo GDP ASEAN chỉ tăng 4,6%, so với 5,7% năm 2022.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước