Trung Quốc và bài toán gỡ khó cho nền kinh tế đang chững lại

Vân Ánh-Thứ tư, ngày 16/08/2023 18:18 GMT+7

VTV.vn - Trung Quốc đã công bố các biện pháp thúc đẩy nền kinh tế, tuy nhiên, vẫn cần có các biện pháp kích thích hữu hình hơn.

Trong thời gian gần đây, các nhà lãnh đạo và hoạch định chính sách Trung Quốc đã công bố các biện pháp thúc đẩy nền kinh tế, thường nhằm hỗ trợ khu vực tư nhân đang gặp khó khăn.

Có những thời điểm các nhà đầu tư đã có được niềm tin từ những cam kết này, đẩy cổ phiếu lên cao hơn.

Tuy nhiên, họ vẫn hy vọng sẽ có các biện pháp kích thích hữu hình hơn, nhưng lại khó có thể xảy ra vì Trung Quốc hiện đang phải giải quyết vấn đề nợ nghiêm trọng, nên khó có các biện pháp thúc đẩy nền kinh tế như cách đây 15 năm trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Ngoại trừ một số bước đi để hỗ trợ thị trường bất động sản đang sa lầy và điều chỉnh lãi suất, có rất ít dấu hiệu cho thấy Chính phủ Trung Quốc sẽ cung cấp tiền thực sự cho người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp đang gặp khó khăn.

Craig Singleton, chuyên gia cấp cao về Trung Quốc tại Foundation for Defense of Democracies, một tổ chức tư vấn phi đảng phái của Mỹ, cho rằng: điều có thể mong đợi là các biện pháp ít ỏi, chủ yếu là từ phía cung, bên cạnh những mục đích khác, nhằm thu hút thêm vốn tư nhân và thúc đẩy quyền sở hữu xe điện."

Sau một năm khởi đầu mạnh mẽ do các hạn chế thời COVID-19 được dỡ bỏ, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện đang mất đà. Kể từ tháng 4, hàng loạt dữ liệu kinh tế và dân số đi xuống đã làm dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc có thể đang phải đối mặt với thời kỳ tăng trưởng chậm hơn nhiều và thậm chí có thể hướng tới một tương lai như  Nhật Bản.

Các biện pháp cần thiết

Nền kinh tế Trung Quốc hầu như không tăng trưởng trong các tháng từ tháng 4 đến tháng 6 so với quý trước. Các dấu hiệu giảm phát đang trở nên rõ hơn, làm dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc có thể bước vào thời kỳ trì trệ kéo dài.

Dựa trên kinh nghiệm của Nhật Bản trong những năm 1990, có nguy cơ Trung Quốc đang rơi vào "bẫy thanh khoản", một kịch bản trong đó chính sách tiền tệ phần lớn trở nên vô hiệu và người tiêu dùng tích trữ tiền mặt thay vì chi tiêu.

Theo các nhà phân tích tại UBS Global Wealth Management, Trung Quốc đã kiềm chế các gói hỗ trợ vung tay trong thời kỳ COVID-19 như của các nền kinh tế phát triển. Chẳng hạn, gói kích thích tài chính chỉ bằng một phần ba hỗ trợ được cung cấp ở Mỹ, không có khoản tiền mặt nào được phân phát trên toàn quốc.

Một nghiên cứu gần đây cho biết trong khi điều này giúp Trung Quốc tránh được cú sốc lạm phát tràn lan như ở những nơi khác, thu nhập hộ gia đình khả dụng lại giảm do tiền lương và giá trị tài sản bất động sản cùng bị đình trệ. Cắt giảm lãi suất là không đủ, trừ khi chúng đi kèm với các biện pháp tài chính để thúc đẩy nhu cầu.

Không như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008

Quỹ đạo kinh tế của Trung Quốc là mối quan tâm lớn đối với các nhà đầu tư và hoạch định chính sách toàn cầu, bởi họ đang trông cậy vào sự phát triển của kinh tế Trung Quốc để thúc đẩy kinh tế toàn cầu.

Trở lại năm 2008, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã triển khai gói tài chính trị giá 4 nghìn tỷ nhân dân tệ (586 tỷ USD) để giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu này. Đây được coi là một thành công và giúp nâng cao vị thế chính trị trong nước và quốc tế của Trung Quốc cũng như tăng trưởng kinh tế của nước này (tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã tăng vọt lên hơn 9% trong nửa cuối năm 2009).

Tuy nhiên, các biện pháp tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng do chính phủ chỉ đạo cũng dẫn đến việc gia tăng tín dụng chưa từng có và nợ chính quyền địa phương tăng mạnh, khiến cho từ đó đến nay nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang phải vật lộn để phục hồi. Vào năm 2012, chính phủ Trung Quốc cho biết sẽ không sử dụng biện pháp đó một lần nữa, bởi hệ quả quá lớn.

Khủng hoảng nợ của Trung Quốc trở nên trầm trọng hơn trong đại dịch COVID-19. Ba năm hạn chế nghiêm ngặt và suy thoái bất động sản đã làm cạn kiệt kho bạc của các chính quyền địa phương.

Các nhà phân tích ước tính các khoản nợ chính phủ chưa thanh toán của Trung Quốc đã vượt qua 123 nghìn tỷ nhân dân tệ (18 nghìn tỷ USD) vào năm ngoái. Gần 10 nghìn tỷ đô la trong số đó được gọi là "nợ ẩn" của các nền tảng tài chính rủi ro thuộc các chính quyền địa phương.

Vào tháng 6, ông Zhu Min, cựu quan chức cấp cao của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, người trước đây từng làm việc tại ngân hàng trung ương Trung Quốc, được Bloomberg dẫn lời tại Diễn đàn Davos mùa Hè ở Thiên Tân rằng ông không tin Trung Quốc sẽ tung ra gói kích thích lớn, do đang vật lộn với mức nợ cao.

Bà Garcia-Herrero, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng đầu tư Natixis thì nhận định: "Không có kích thích tài chính nào được công bố, điều này dường như cho thấy các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc vẫn cảnh giác về sự gia tăng quá nhanh của nợ công".

Lợi nhuận giảm dần

Và ngay cả khi chính phủ Trung Quốc có hành động, thì khả năng sẽ kém hiệu quả hơn so với năm 2008, theo bà Garcia-Herrero.

Bà Garcia-Herrero nhận định: "Một biện pháp kích thích tài chính dựa trên cơ sở hạ tầng sẽ cần phải lớn hơn nhiều để có tác động kinh tế tương tự."

Điều này cũng ngụ ý rằng, nếu có hành động nào được thực hiện thì nợ công ở Trung Quốc sẽ tăng vọt lên trên mức 100% GDP hiện tại, điều này sẽ có nguy cơ đưa nền kinh tế Trung Quốc vào "số những nền kinh tế mắc nợ nhiều nhất thế giới".

Ông Singleton cho biết lĩnh vực bất động sản có thể sẽ là lực cản đối với tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc trong nhiều năm tới, thêm vào đó còn có các trở ngại như mức nợ đáng báo động và tình trạng người tiêu dùng rụt rè chi tiêu ở cả trong và ngoài nước.

Nền kinh tế trì trệ của Trung Quốc khiến cả thế giới lo ngại

Trong hơn một phần tư thế kỷ, kinh tế Trung Quốc đồng nghĩa với sự phát triển không ngừng và sự dịch chuyển chỉ có đi lên. Với dân số 1,4 tỷ người của Trung Quốc, nền kinh tế toàn cầu được thúc đẩy bởi những nhu cầu dường như không bao giờ cạn kiệt.

Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đóng góp hơn 40% tăng trưởng kinh tế toàn cầu, so với 22% của Hoa Kỳ và 9% của 20 quốc gia sử dụng đồng tiền chung châu Âu, theo phân tích gần đây của BCA Research.

Ông Larry Hu, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc của công ty dịch vụ tài chính Macquarie, cho biết: "Sự chậm lại ở Trung Quốc chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế toàn cầu. Bởi vì Trung Quốc hiện là nước tiêu dùng hàng hóa số 1 trên thế giới, nên tác động sẽ khá lớn."

Tuy nhiên, hầu hết các nhà kinh tế nghĩ rằng Trung Quốc sẽ tránh được cơn ác mộng giảm phát. Quốc vụ viện Trung Quốc hồi tháng trước đã đưa ra kế hoạch 20 điểm để khuyến khích người dân chi tiêu nhiều hơn cho các lĩnh vực bao gồm xe cộ, du lịch và thiết bị gia dụng.

Trong kịch bản lạc quan nhất, chính phủ Trung Quốc sẽ thiết kế quá trình chuyển đổi dần dần sang tăng trưởng chậm hơn, hy sinh một phần các việc làm trong nhà máy để ưu tiên cho những người làm trong ngành dịch vụ, đồng thời kiểm soát quy mô tổn thất bất động sản. 

Chính phủ sẽ tăng cường nỗ lực kích thích nền kinh tế, để kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ cho ngành bất động sản đang gặp khó. Cụ thể nhất là ngày 15/8, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã bất ngờ hạ lãi suất 15 điểm cơ bản với các khoản vay kỳ hạn 1 năm xuống 2,5%, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2020. Lãi suất mua lại đảo ngược kỳ hạn 7 ngày (vốn được coi là lãi suất chính sách ngắn hạn) giảm 10 điểm cơ bản, xuống còn 1,8%. Các chuyên gia kì vọng vào các biện pháp giảm lãi suất sẽ giúp kích cầu của người dân và tăng niềm tin vào doanh nghiệp trong nước.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước