Hải Dương: Phát triển rộng khắp môn bóng bàn ở các khu dân cư

Theo TTXVNCập nhật 23:35 ngày 02/12/2017

VTV.vn - Xã hội hóa đang là hướng đi đúng giúp phong trào này ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Nhiều năm qua, bóng bàn là một môn thể thao quần chúng rất phổ biến ở Hải Dương, phát triển mạnh từ các thôn, khu dân cư. Từ đây, nhiều tài năng bóng bàn đã được phát hiện, bồi dưỡng, trưởng thành và tiến vào những sân chơi chuyên nghiệp. Xã hội hóa đang là hướng đi đúng giúp phong trào này ngày càng phát triển mạnh mẽ. 

* Mỗi khu dân cư một câu lạc bộ 

Cứ khoảng 17 giờ hàng ngày, ngôi nhà của anh Vũ Văn Lân (Câu lạc bộ bóng bàn Hữu Nghị, phường Sao Đỏ, thị xã Chí Linh) lại tấp nập. Đầu tư gần 200 triệu đồng cho 6 bàn bóng, ngôi nhà của anh trở thành "điểm hẹn" thường xuyên cho khoảng 20 thành viên có chung niềm đam mê bóng bàn, chủ yếu họ là anh em, bạn bè cùng khu dân cư. Gia đình anh Lân là một trường hợp khá đặc biệt bởi không chỉ riêng anh hâm mộ môn bóng bàn mà cả ba người con của anh đều có sở thích giống bố. Nói về lý do đầu tư bàn bóng và đứng ra thành lập câu lạc bộ bóng bàn, anh Lân cho biết: "Tôi không đặt nặng mục đích kinh tế, cái chính là muốn tạo nơi giao lưu cho anh em bạn bè tập luyện, rèn sức khỏe, tạo sân chơi lành mạnh cho các cháu học sinh. Tập luyện bóng bàn sẽ giúp các cháu khỏe mạnh, xa rời được trò chơi điện tử". Được biết, trong môi trường có nhiều người say mê tập luyện bóng bàn, cậu con trai thứ hai của anh Lân đã sớm bộc lộ năng khiếu với môn thể thao này và được tuyển mộ thi đấu chuyên nghiệp cho Câu lạc bộ T&T Hà Nội. 

Ở thị xã Chí Linh, chuyện cả nhà cùng "say" bóng bàn không phải là hiếm. Gia đình anh Trần Thành Long (khu dân cư Hưng Đạo, phường Sao Đỏ) cũng là một trong những trường hợp như thế. Anh Long mê bóng bàn từ thời còn là học sinh, đến nay đã ngoài 40 tuổi, bóng bàn vẫn là niềm say mê của anh. Con trai anh Long là cháu Trần Mạnh Cường, từ năm 8 tuổi đã cầm vợt và nhanh chóng hòa nhịp với phong trào tập luyện bóng bàn ở địa phương. Chính từ các giải phong trào, Mạnh Cường đã lọt vào "mắt xanh" của các huấn luyện viên Câu lạc bộ Hà Nội T&T. "Ban đầu, tôi chỉ hướng cho cháu tập bóng với mong muốn cháu có sức khỏe và lối sống lành mạnh. Sau thấy cháu cũng ham trái bóng, các giải đấu đều giành giải cao, lại có đề nghị của Câu lạc bộ T&T nên vợ chồng tôi ủng hộ cháu theo con đường chuyên nghiệp từ tháng 8/2016", anh Long tâm sự. Hiện nay, bàn bóng tại gia đình anh Long còn trở thành nơi giao lưu tập luyện thường xuyên cho khoảng 15 hội viên.   

Trong số 12 huyện, thị xã, thành phố, Chí Linh nhiều năm giữ vị trí tốp đầu về phong trào bóng bàn quần chúng. Tại Giải bóng bàn câu lạc bộ nhà văn hóa thôn, khu dân cư văn hóa năm 2017 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương tổ chức, đội của Chí Linh giành vị trí nhất toàn đoàn với 2 giải Nhất ở nội dung đơn nam trên 46 tuổi và đôi nam nữ, 4 giải Nhì ở các nội dung đôi nam trên 46 tuổi, đơn nam trên 46 tuổi, đơn nam dưới 46 tuổi và nội dung đồng đội. 

Theo anh Quán Dương Hưng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa thông tin và Thể thao thị xã Chí Linh, phong trào tập luyện bóng bàn ở thôn, khu dân cư tại Chí Linh ngày càng phát triển. Từ giải phong trào, nhiều tay vợt đã trưởng thành, tham gia thi đấu ở các giải chuyên nghiệp. Hiện nay, 19/20 xã, phường của thị xã có câu lạc bộ bóng bàn. Ở 171 làng, khu dân cư trên địa bàn thị xã, trung bình mỗi khu dân cư có ít nhất một câu lạc bộ. Thành viên câu lạc bộ từ các em thiếu niên nhi đồng cho đến người cao tuổi, bé tuổi nhất là 8 tuổi, cao tuổi nhất khoảng 75- 76 tuổi. 

* Đẩy mạnh xã hội hóa 

Một trong những điều tiên quyết góp phần giúp phong trào tập luyện môn bóng bàn ở nhiều địa phương phát triển là việc xã hội hóa. Theo anh Hưng, ở thị xã Chí Linh, Ủy ban nhân dân thị xã cũng quan tâm đến bộ môn bóng bàn và động viên, hỗ trợ một phần, còn lại các câu lạc bộ đều hoạt động từ kinh phí xã hội hóa là chủ yếu. Nhiều phụ huynh có con tham gia tập luyện rất sẵn sàng ủng hộ về vật chất. Có những người không chơi thể thao nhưng rất nhiệt tình hỗ trợ và tạo điều kiện. 

Để khuyến khích việc tập luyện bóng bàn trong nhân dân, mỗi năm, thị xã Chí Linh tổ chức 2 giải phong trào, đây thực sự là ngày hội đối với những người yêu bóng bàn ở thị xã. Có năm, giải thu hút 120 vận động viên với đủ lứa tuổi. Còn việc thi đấu giao hữu là hoạt động gần như thường xuyên hàng tuần, hàng tháng với các câu lạc bộ. Những lần như thế, trung tâm văn hóa thông tin và thể thao thị xã cũng tích cực hỗ trợ về mặt chuyên môn và công tác tổ chức. 

Thị trấn Nam Sách (huyện Nam Sách), có 6 khu dân cư và khu dân cư nào cũng có câu lạc bộ bóng bàn. Bàn bóng được đặt ở nhà văn hóa. Câu lạc bộ bóng bàn khu dân cư La Văn Cầu với hơn 20 thành viên là một trong những câu lạc bộ mạnh nhất huyện. Câu lạc bộ có 4 thành viên năm nào cũng dẫn đầu giải bóng bàn phong trào do huyện tổ chức. Để phong trào duy trì và phát triển, anh Trần Duy Quang (Chủ nhiệm Câu lạc bộ) cho biết, bên cạnh sự quan tâm, tạo điều kiện về cơ sở vật chất của địa phương thì vai trò của xã hội hóa rất lớn. Mỗi khi có giải phong trào, rất nhiều nhà tài trợ quan tâm hỗ trợ công tác tổ chức. Ngoài ra, các thành viên mỗi người đóng góp một ít, đóng góp thường xuyên để câu lạc bộ có kinh phí duy trì hoạt động. 

Để đẩy mạnh phong trào thể thao quần chúng, trong đó có môn bóng bàn, một trong những biện pháp được ngành Văn hóa,Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương quan tâm chỉ đạo là tổ chức các giải phong trào quy mô cấp tỉnh, tạo nhằm cơ hội cọ xát, học hỏi cho các câu lạc bộ (tiêu biểu như Giải bóng bàn câu lạc bộ các nhà văn hóa, khu dân cư văn hóa). Tỉnh cũng quan tâm củng cố, nâng cấp các thiết chế thể dục, thể thao ở các cấp huyện, xã nhằm đáp ứng nhu cầu tập luyện của nhân dân. Đến nay, tỉnh có 28% dân số tham gia tập luyện thể thao thường xuyên và có khoảng 3.500 câu lạc bộ hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương, công tác xã hội hóa ngày càng đạt hiệu quả khi huy động được nhiều nguồn lực xã hội cho việc xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức thi đấu các giải thể thao. Vì thế, Hải Dương xác định một mặt tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể đối với mục tiêu phát triển thể dục thể thao, mặt khác tăng cường sự phối hợp của các ngành, đoàn thể trong công tác tổ chức các hoạt động thể dục thể thao nhằm phát huy hiệu quả công tác xã hội hóa thể dục thể thao.

Tổng hợp: Vòng chung kết EURO 2016
1 1 1