Trung Quốc và sáng kiến "Một vành đai - Một con đường": Có khó thực hiện?

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 14/05/2017 11:55 GMT+7

VTV.vn - Đây là một trong những câu hỏi được đưa ra bàn luận trong chương trình Toàn cảnh thế giới tuần này.

Trong hai ngày (14 - 15/5), Diễn đàn hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy liên kế kinh tế, kết nối khu vực giữa các châu lục, Á, Âu và Phi do Trung Quốc tổ chức sẽ diễn ra tại Bắc Kinh. Diễn đàn mang tên Hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường, thu hút sự tham dự của 28 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ. Đoàn Việt Nam do Chủ tịch nước Trần Đại Quang dẫn đầu tham dự. .

Với chủ đề "Tăng cường hợp tác quốc tế, chung tay xây dựng 'Vành đai và Con đường', phát triển cùng có lợi", diễn đàn sẽ thảo luận những nội dung xuyên suốt gồm kết nối chính sách, kết nối hạ tầng, kết nối thương mại, kết nối tài chính, kết nối người dân. Diễn đàn là dịp để lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế cùng trao đổi về các biện pháp tăng cường hợp tác, thúc đẩy hội nhập quốc tế vì hòa bình, ổn định, an ninh, thịnh vượng và phát triển bền vững, đồng thời cũng kỳ vọng diễn đàn sẽ mở ra cơ hội hợp tác, kết nối kinh tế giữa các quốc gia và khu vực, đặc biệt là thúc đẩy kết nối kinh tế thông suốt, hiệu quả, phát triển hạ tầng giao thông liên lục địa, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp, mở rộng giao lưu nhân dân, góp phần thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững.

Diễn đàn hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường được Trung Quốc tổ chức trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, chủ nghĩa bảo hộ và xu hướng đi ngược toàn cầu hóa đang nổi lên. Chính vì thế, việc một sáng kiến đang mang lại những cơ hội hợp tác, liên kết kinh tế và kết nối khu vực với qui mô lớn chắc chắn sẽ nhận được sự quan tâm của thế giới.

Đánh giá về diễn đàn này, phóng viên Anh Tuấn – Thường trú Đài THVN tại Trung Quốc khẳng định đây là một trong những hoạt động ngoại giao quan trọng nhất của Trung Quốc trong năm 2017. Điều đó đã cho thấy ý nghĩa to lớn của diễn đàn này đối với Trung Quốc.

"Sau khi được khởi xướng năm 2013, đây có thể coi là diễn đàn quốc tế quy mô đầu tiên, tầm vóc cao nhất để từng bước thảo luận những vấn đề xoay quanh sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Việc các nước đồng ý tham gia cũng như tổ chức thành công diễn đàn sẽ đánh dấu sự ghi nhận ở tầm quốc tế và cho thấy sự phát triển mang tính thực chất trong sáng kiến này của Trung Quốc.

Trung Quốc đưa ra một sáng kiến quốc tế, muốn thành công thì phải có sự ủng hộ của quốc tế. Do vậy, kỳ vọng lớn nhất của Trung Quốc thông qua diễn đàn lần này là đưa ra các tổng kết, đánh giá kết quả giai đoạn đầu sau hơn 3 năm triển khai sáng kiến Vành đai và con đường, lắng nghe phản hồi của các bên liên quan, đồng thời làm rõ nội hàm, phương châm, lộ trình của Trung Quốc, giúp các bên hiểu rõ lập trường của Trung Quốc với sáng kiến này, từ đó làm sâu sắc hơn lòng tin giữa các nước, kêu gọi sự ủng hộ quốc tế và mở rộng thêm quan hệ quốc tế cụ thể, đưa sáng kiến này đi vào thực chất trong các giai đoạn tiếp theo", phóng viên Anh Tuấn cho biết.

Sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc được nhà lãnh đạo nước này Tập Cận Bình đưa ra gồm các nội dung cơ bản: Vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa và Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ XXI. Nếu được thực hiện thành công, nó có thể sẽ tạo thành mạng lưới kinh tế thương mại lớn, với tiềm lực phát triển bao trùm khu vực rộng lớn với dân số 4,4 tỷ, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 21.000 tỷ USD (chiếm 30% GDP toàn cầu) và có thể tạo ra giá trị thương mại hơn 2.500 tỷ USD trong vòng một thập kỷ, cũng như liên kết với các thị trường đang nổi có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, để hiện thực hóa một sáng kiến với qui mô quá lớn như vậy không hề đơn giản và cần có sự phối hợp chặt chẽ và quyết tâm của các quốc gia tham gia và nằm trong vành đai và con đường này.

Theo ông Nguyễn Vinh Quang – Cố vấn cấp cao Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Phát triển quốc tế, mục tiêu của sáng kiến Vành đai và Con đường là một chiến lược đồ sộ, táo bạo nhưng không phi thực tế.

"Người ta thường so sánh chiến lược này của Trung Quốc với Kế hoạch Marsall sau chiến tranh thế giới thứ 2 nhằm phục hưng các quốc gia Tây Âu, nhưng nếu tính mức độ quy mô thì kế hoạch của Trung Quốc còn lớn hơn rất nhiều" - ông Nguyễn Vinh Quang phân tích - "Tuy nhiên, tôi không cho rằng đây là mục tiêu phi thực tế bởi Trung Quốc đã có sự tính toán kỹ lưỡng. Trung Quốc biết tiềm năng của bản thân mình và các quốc gia tham gia, đồng thời biết nhu cầu của những quốc gia này. Cho nên, nếu cam kết trong Sáng kiến được thực hiện thì kế hoạch này sẽ tới đích".

Để tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này, mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình Toàn cảnh thế giới qua video dưới đây:

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước