70 năm ngày ra đời báo Đại đoàn kết

Ngọc Hà -Thứ hai, ngày 09/01/2012 11:00 GMT+7

Hôm nay (9/1), báo Đại đoàn kết - một trong những tờ báo lâu đời nhất trong hệ thống báo chí cách mạng sẽ kỷ niệm 70 năm ngày ra số báo đầu tiên (25/1/1942-25/1/2012).

70 năm gắn liền với lịch sử cách mạng, ở bất kỳ giai đoạn nào, báo Đại đoàn kết luôn để lại ấn tượng trong lòng bạn đọc cả nước với những cây bút uy tín trong làng báo cách mạng.

Báo Cứu quốc - cơ quan tuyên truyền cổ động của Tổng bộ Việt Minh đã ra đời tại Sóc Sơn (Hà Nội) cách đây đúng 70 năm. Trong điều kiện hoạt động bí mật, tờ báo chỉ ra được 30 số, nhưng đã có đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng.
Sau này, một đoàn cán bộ của báo Cứu quốc đã được điều vào miền Nam làm nòng cốt để thành lập báo Giải Phóng - cơ quan Trung ương của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Sau khi đất nước thống nhất, báo Cứu quốc và báo Giải phóng sáp nhập thành một tờ báo mới lấy tên là Đại đoàn kết ngày nay - tờ báo để lại nhiều dấu ấn với bạn đọc cả nước bởi nhiều cây bút có uy tín trong làng báo. Đại đoàn kết cũng là một trong những tờ báo đi tiên phong trong việc khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, cổ vũ tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam và được đông đảo bạn đọc đánh giá cao.
Ông Đinh Đức Lập, Tổng biên tập báo Đại đoàn kết phát biểu: “Bảo vệ chủ quyền được đông đảo người dân quan tâm vì đây là vấn đề hết sức thiêng liêng, hệ trọng, trong nội dung này Đại đoàn kết có những tìm tòi để có những thông tin sắc bén, rõ ràng và theo chiều hướng xây dựng để bạn đọc cũng như dư luận được biết. Việc nghiên cứu để tổ chức các tác phẩm một cách tương đối chặt chẽ và có hệ thống như vậy, nên các tác phẩm này đáp ứng được yêu cầu bạn đọc”.
Trong bối cảnh hiện nay, khi mà sức ép cạnh tranh ngày một lớn thì Đại đoàn kết đã xác định bản sắc riêng cho tờ báo của mình là tăng cường thông tin có tính tham vấn, phản biện trên mặt báo để tạo tiếng nói đồng thuận trong xã hội. Đồng thuận - theo góc nhìn của Đại đoàn kết không phải là tiếng nói một chiều, mà là mổ xẻ từ những ý kiến khác nhau và không hời hợt khi đề cập những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau trong dư luận xã hội.
Ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội, Cộng tác viên báo Đại đoàn kết cho rằng: “Phản biện là một trong những vấn đề khó, trước tiên đòi hỏi ở nhà báo cái tâm thật sự thì mới ra phản biện. Vấn đề xã hội có nhiều bức xúc, còn nhiều khuyết điểm, còn nhiều điều chưa hài lòng. Khó là nói những điều mà có thể động chạm đến người này, người khác, cơ quan này, cơ quan khác nhưng Đại đoàn kết đã không né tránh từ đất đai đến giá điện, giá xăng. Không né tránh nhưng nói với tinh thần của Đại đoàn kết thì đấy chính là phản biện”.
Kỷ niệm 70 năm ngày phát hành số đầu tiên, báo Đại đoàn kết tăng số phát hành từ 6 kỳ/tuần lên thành nhật báo với số lượng phát hành 30 ngàn bản/ngày. Tờ báo này cũng sẽ tiếp tục có những cải tiến về nội dung nhằm phát huy hơn nữa vai trò là tiếng nói của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm cổ vũ một cách sáng tạo cho sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc và gắn kết mọi tầng lớp nhân dân.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước