Bán doanh nghiệp nhà nước?

Minh Hường - Trần Hà-Chủ nhật, ngày 06/11/2011 07:00 GMT+7

Cải cách doanh nghiệp nhà nước là một trong ba trọng tâm của tái cấu trúc nền kinh tế đã được Nghị quyết Trung ương 3 xác định rõ. Và ý kiến chung được đưa ra trong cuộc thảo luận là bán các doanh nghiệp Nhà nước.

Tại Hội thảo “Triển vọng kinh tế thế giới và chính sách ứng phó của Việt Nam” được tổ chức mới đây tại Hà Nội, vấn đề tái cấu trúc như thế nào nhận được nhiều tranh luận sôi nổi của các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế hàng đầu trong và ngoài nước.


Giải quyết cải cách này được xem là định hướng cho nền kinh tế Việt Nam trước các khó khăn nội tại và các biến động khó lường của kinh tế thế giới lúc này.

Trong cuộc thảo luận, Tiến sĩ Trần Xuân Giá, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu đã đưa ra ý kiến về việc kiên quyết bán các doanh nghiệp nhà nước, các dự án đầu tư công mà Nhà nước không cần nắm đã ngay lập tức hâm nóng hội trường. Ông cho rằng, Nhà nước nên bán đứt, thậm chí bán lỗ các công trình, dự án đang dở dang để lấy tiền làm việc cần thiết.



"Bán" là ý kiến nhận được sự nhất trí cao độ. Nhiều dự án đầu tư công dù không hiệu quả, dù chưa huy động được đủ nguồn vốn, nhưng vẫn được các doanh nghiệp nhà nước, các địa phương triển khai để “giữ chỗ” là nguyên nhân khiến rất nhiều dự án đang dở dang, đắp chiếu nằm chờ vốn.

Đồng tình với ý kiến "Bán", Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright cũng nói, kể cả các dự án triển khai rồi, nếu cần vẫn phải bán, nếu không cũng phải cắt. Vì nợ công trên GDP vẫn cao.

Để làm rõ cho việc cần bán gì, và cần giữ lại gì, ông Dominic Patrick Mellor, Chuyên gia kinh tế, Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB cho rằng, không nên đánh đồng, mà cần phân loại rõ các doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp nào cung cấp các dịch vụ thiết yếu dân sinh như điện thì chưa nên vội vàng, nhưng các doanh nghiệp kinh doanh thuần túy thì Chính phủ nên bán càng nhanh càng tốt để tạo lợi nhuận, giảm chi tiêu công.



Bán hay cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã được xác định là chủ trương chiến lược nhưng thực hiện còn chậm chạp. Nguyên nhân chính ở đây là sợ thua thiệt khi bán tài sản Nhà nước.

Để lí giải rõ hơn cho việc bán để làm gì, Tiến sĩ Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ giải thích thêm: "Bán là phải thu tiền cho ngân sách, nhưng không nên quá đặt nặng. Cái nhìn là cho tương lai 5 năm sau, 10 năm sau. Nếu ta tiếp tục bỏ tiền nuôi các doanh nghiệp không hiệu quả đó thì còn không bằng bán. Ông cũng nhấn mạnh thêm, đừng nghĩ bán 1 tỷ hay 10 tỷ cho ngân sách nhà nước, cái đó là cần, nhưng không phải mục tiêu quan trọng nhất, cơ bản là hiệu quả đạt được".



Doanh nghiệp nhà nước ở bất kỳ nước nào cũng tiềm ẩn rất nhiều vấn đề về quản trị. Tại Việt Nam, vấn đề này lại đặc biệt quan trọng khi doanh nghiệp nhà nước hiện chiếm tỷ trọng cao trong cả nền kinh tế. Chính vì vậy, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước được xác định là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm trong tái cấu trúc nền kinh tế, nhằm đưa nền kinh tế ra khỏi các khó khăn nội tại và quốc tế lúc này.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước