Bản lĩnh Việt Nam

Phương Thanh - Vũ Chung-Thứ bảy, ngày 30/01/2010 00:00 GMT+7

Bằng trí tuệ và bản lĩnh của mình, ĐCS Việt Nam giữ vững vai trò lãnh đạo đất nước đứng vững trước những khó khăn của CNXH, tiếp tục đưa cách mạng Việt Nam phát triển như ngày hôm nay.

Sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu những năm đầu thập niên 90, được xem là một trong những sự kiện gây chấn động nhất trong thế kỷ 20. Sự kiện này đánh dấu một giai đoạn khó khăn của CNXH. Trong thời gian này, ở Việt Nam đã có những khó khăn tưởng chừng không vượt qua nổi. Tuy nhiên, bằng trí tuệ và bản lĩnh của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn giữ vững vai trò, lãnh đạo đất nước đứng vững trước những khó khăn của CNXH, tiếp tục đưa cách mạng Việt Nam phát triển như ngày hôm nay.

Năm 1989, bức tường Beclin bị gỡ bỏ… Chưa đầy hai năm sau, Đảng Cộng sản Liên Xô bị giải thể và cấm hoạt động. Nhà nước Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Liên Xô không còn trên bản đồ thế giới… Chủ nghĩa Xã hội với tư cách là một hệ thống xã hội không còn là một đối trọng trong thế giới hiện tại.

Bấy giờ, sự biến chính trị này đã rung chấn toàn thế giới… Đặc biệt là đối với các nước đi theo con đường Chủ nghĩa Xã hội như Việt Nam. PGS.TS Trần Quang Nhiếp - nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản nhớ lại: Đây thực sự là giai đoạn thử thách bản lĩnh và sự sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam - "Sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu gây ảnh hưởng lớn đến tư tưởng, tình cảm và đời sống của cán bộ nhân dân Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực, trước hết là về chính trị. Vậy con đường đi lên CNXH còn thích hợp không, vì sao CNXH lại lâm vào khủng hoảng… Thời đó sự kiện này ảnh hưởng rất sâu sắc, hàng ngàn đảng viên xin ra khỏi Đảng, kể cả những đảng viên cao cấp cũng hoang mang, cũng đòi đa nguyên, đa đảng, không tin tưởng vào sự tồn tại của Đảng".

Cũng theo PGS Trần Quang Nhiếp, không phải đến khi Liên Xô sụp đổ, ngay từ rất sớm Đảng đã đặt vấn đề theo dõi diễn biến, phân tích tình hình, tìm những nguyên nhân dẫn đến cơn địa chấn chính trị ở bên kia châu lục. Trước những biến động ở Đông Âu, tháng 5 năm 1988, Trung ương Đảng họp, ra Nghị quyết về nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình mới. Liên tục các Hội nghị Trung ương sau đó, Đảng ta đã kịp thời phân tích tình hình và đề ra chủ trương giải pháp nhằm ngăn chặn, phòng ngừa các tiêu cực có thể xảy ra.

Cũng trong thời gian này, Đảng ta đã tập trung nghiên cứu lại Chủ nghĩa Mác để hiểu sâu hơn và có niềm tin khoa học hơn vào con đường đi lên Chủ nghĩa Xã hội… Nguyên tắc đổi mới cũng đã được đề ra trong giai đoạn này: "Công cuộc đổi mới của ta tránh được vết xe đổ của Liên Xô và Đông Âu vì chúng ta có nguyên tắc: Đổi mới dựa trên giữ vững nền tảng CN Mác – Lê nin, tư tưởng HCM. Đây là kim chỉ nam để lách hiểm, vượt sóng. Nói như thế không có nghĩa là bảo thủ, nhận thức lại CN Mác, tìm ra nét bản chất nhất, tìm ra những luận điểm phù hợp với hiện đại.

Đổi mới nhưng giữ vững định hướng đi lên CNXH. Đổi mới nhưng không đổi màu. Từ đó thoát ra những nhược điểm, những hạn chế, những cái đã dẫn CNXH đến khủng hoảng".

Nhờ quyết sách đúng đắn, nhờ vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác vào thực tiễn và giữ vững nguyên tắc đổi mới, Đảng ta vẫn giữ vững vai trò lãnh đạo, chèo lái con thuyền đất nước vững vàng trước những khó khăn của Chủ nghĩa Xã hội.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước