Bộ Nội vụ tổ chức hội thảo Dấu ấn cải cách hành chính triều Nguyễn – Giá trị lịch sử và đương đại

T.K-Thứ sáu, ngày 12/10/2018 15:42 GMT+7

VTV.vn -Ngày 12/10, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo khoa học “Dấu ấn cải cách hành chính triều Nguyễn – Giá trị lịch sử và đương đại” với sự tham dự của nhiều nhà quản lý, nhà khoa học.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, ông Đặng Thanh Tùng - Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ cho hay, các cuộc cải cách trong thời kỳ phong kiến Việt Nam nói chung và cải cách hành chính dưới triều Nguyễn nói riêng là vấn đề không mới. Tại các diễn đàn học thuật cũng như chính trị, các cuộc cải cách của tiền nhân đã nhiều lần được đưa ra xem xét, đánh giá như những kinh nghiệm quý báu cho công cuộc đổi mới trong giai đoạn hiện nay. 

Bộ Nội vụ tổ chức hội thảo Dấu ấn cải cách hành chính triều Nguyễn – Giá trị lịch sử và đương đại - Ảnh 1.

Ông Đặng Thanh Tùng - Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Vấn đề cải cách luôn được giới chính trị và cả các nhà khoa học quan tâm vì đây là một trong những điểm mấu chốt để thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội. Một đất nước sẽ không thể phát triển nếu không có các cuộc cải cách, đặc biệt là cải cách hành chính nhà nước.

Ông Đặng Thanh Tùng cho rằng, cải cách là nhu cầu thiết yếu của mỗi giai đoạn lịch sử và cũng là khát vọng của những người đứng đầu đất nước. Tuy mỗi giai đoạn, nhà cầm quyền có những mục tiêu và phương thức khác nhau, nhưng đều hướng tới mong muốn chung là làm cho dân giàu, nước thịnh, xã hội ổn định, phồn vinh. Để đạt được mục tiêu đó, việc củng cố, tinh lọc bộ máy hành chính, tuyển chọn, sử dụng nhân tài, chống tham nhũng, kiểm soát quyền lực nhà nước luôn là mối quan tâm hàng đầu của các bậc minh quân.

Bộ Nội vụ tổ chức hội thảo Dấu ấn cải cách hành chính triều Nguyễn – Giá trị lịch sử và đương đại - Ảnh 2.

Các đại biểu có bài tham luận tại Hội thảo.

Khoảng 20 tham luận của các nhà khoa học và một số địa phương trong cả nước tại Hội thảo khoa học "Dấu ấn cải cách hành chính triều Nguyễn – Giá trị lịch sử và đương đại" tập trung chủ yếu vào các vấn đề như: Đánh giá cao những thành tựu cải cách của triều Nguyễn, đặc biệt là cuộc cải cách hành chính dưới thời vua Minh Mạng; đi sâu phân tích về Luật "Hồi tị", một chính sách ưu việt dưới thời phong kiến và triều Nguyễn trong việc kiểm soát quyền lực nhà nước, hạn chế tham nhũng, tránh việc lợi dụng mối quan hệ cá nhân để tư lợi; công bố các tư liệu gốc về cải cách hành chính triều Nguyễn thông qua các Di sản tư liệu thế giới như Châu bản, Mộc bản triều Nguyễn; thực trạng cải cách hành chính tại địa phương trên các lĩnh vực sắp xếp tinh gọn bộ máy, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi một số dịch vụ công từ khu vực nhà nước sang khu vực tư nhân…

Bộ Nội vụ tổ chức hội thảo Dấu ấn cải cách hành chính triều Nguyễn – Giá trị lịch sử và đương đại - Ảnh 3.

Đề cập tới việc vận dụng những ưu điểm của cơ chế kiểm soát quyền lực của triều Nguyễn vào việc thực hiện kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng ở nước ta, ông Cao Văn Thống - ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, việc kiểm tra, giám sát các cơ quan hành chính và đội ngũ quan lại triều đại này đã thực hiện nghiêm túc nguyên tắc "trên dưới liên kết hợp đồng, trong ngoài kiềm chế lẫn nhau", góp phần không nhỏ vào hoạt động hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước và các quan lại, hạn chế, ngăn ngừa lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực, tha hóa quyền lực.

Đặc biệt, triều Nguyễn kết hợp kiểm tra, giám sát từ bên ngoài với kiểm tra, giám sát từ bên trong rất hiệu quả, góp phần làm cho đội ngũ quan lại biết "tự soi, tự sửa, tự rèn, tự tránh" để giữ mình liêm chính, làm tròn bổn phận, chức trách được giao.

Bộ Nội vụ tổ chức hội thảo Dấu ấn cải cách hành chính triều Nguyễn – Giá trị lịch sử và đương đại - Ảnh 4.

Toàn cảnh Hội thảo

Ông Cao Văn Thống nhận định, hiện nay, ở Việt Nam, việc kiểm tra, giám sát từ bên trong rất hạn chế thông qua tự phê bình, phê bình, kiểm điểm, đánh giá, nhận xét hàng năm nhưng nhiều nơi rất hình thức và cũng ít xử lý được trường hợp nào.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa nhấn mạnh, cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra từ nhiều năm nay. Trong khi thế giới đang có nhiều biến động, khó khăn thì tại Việt Nam, nền kinh tế liên tục tăng trưởng trong 10 năm trở lại đây, đó là do những tác động mạnh mẽ của cải cách hành chính. Thực tế cho thấy, cải cách hành chính hiệu quả, đất nước được ổn định. Đánh giá những dấu ấn cải cách của thời đại trước, rút ra bài học kinh nghiệm cho đương đại nhằm đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan những nội dung cải cách tinh thần để công tác cải cách hành chính đạt kết quả tốt hơn.

Bộ Nội vụ tổ chức hội thảo Dấu ấn cải cách hành chính triều Nguyễn – Giá trị lịch sử và đương đại - Ảnh 5.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa (giữa) nhấn mạnh, cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra từ nhiều năm nay.

Hội thảo khoa học "Dấu ấn cải cách hành chính triều Nguyễn – Giá trị lịch sử và đương đại" diễn ra tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I không chỉ là diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà sử học, các chuyên gia cải cách hành chính, các đại biểu đến từ các bộ, ngành và địa phương ghi nhận, tri ân những đóng góp to lớn của các bậc tiền nhân trong lịch sử dân tộc, mà còn là dịp để tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm cải cách, những kế sách của vương triều Nguyễn, nhằm rút ra những bài học hữu ích để vận dụng vào thực tiễn cải cách, đổi mới hiện nay của đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng, nhất là thực hiện các chủ trương lớn về cải cách hành chính nói chung, cải cách tổ chức bộ máy hành chính và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nói riêng.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước