Bộ trưởng Vũ Đức Đam đối thoại các vấn đề nóng (P.1)

VTV.vn-Thứ hai, ngày 06/08/2012 18:25 GMT+7

Đáp ứng yêu cầu khán giả, VTV.vn sẽ đăng toàn bộ nội dung cuộc đối thoại với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam trong chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" về những vấn đề "nóng" hiện nay. Trước hết là nội dung về Chỉ số giá tiêu dùng và lạm phát...

Các vấn đề người dân quan tâm như chỉ số giá tiêu dùng CPI âm 2 tháng liên tiếp, nợ xấu ngân hàng... được phân tích trực diện, thẳng thắn với phần trả lời của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ - ông Vũ Đức Đam.

PV Lê Bình: Thưa Bộ trưởng, sau hơn 1 năm chính phủ mới đi vào hoạt động thì có vẻ như nền kinh tế đang đi vào giai đoạn khó khăn nhất, hai tháng gần đây chỉ số CPI liên tục âm. Nhiều chuyên gia lo ngại nền kinh tế Việt Nam sẽ rơi vào suy thoái kép. Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành thì ví nền kinh tế Việt Nam đang trong "mùa bão lụt". CPI âm trong tháng 6 là lũ cấp 1, CPI âm trong tháng 7 là lũ cấp 2. Nếu như trong tháng 8 CPI tiếp tục âm nữa thì thủy văn của nền kinh tế sẽ rơi vào tình trạng báo động. Chính phủ đánh giá như thế nào về những nguy cơ này? Các mối quan tâm của chuyên gia kinh tế cũng là mối quan tâm của mọi người dân trong cả nước.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Xin cảm ơn Đài THVN, xin cám ơn nhà báo Lê Bình. Tôi đồng tình là tình hình kinh tế của chúng ta đang có rất nhiều khó khăn. Khó khăn mà tất cả người dân dễ thấy nhất là doanh nghiệp hoạt động rất khó, hàng tồn kho cao hơn bình thường, mặc dù gần đây có giảm nhưng vẫn rất cao. Doanh nghiệp muốn vay vốn để phát triển sản xuất cũng khó khăn. Đời sống của nhân dân cũng chưa được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, nếu nói suy giảm kinh tế, đặc biệt là suy thoái kép thì tôi nghĩ rằng cũng nên có những tranh luận lại. Nhà báo hiểu thế nào là suy thoái kép?
PV Lê Bình: Bản thân tôi không phải là một chuyên gia kinh tế nhưng tôi hiểu một cách đơn giản, dấu hiệu của suy thoái kép là tốc độ tăng trưởng kinh tế âm mà âm liên tục trong 2 quý thì đó là suy thoái kép. Bộ trưởng có thể dẫn giải rõ hơn hay không?
Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Theo như thông lệ người ta tính tốc độ tăng trưởng kinh tế theo quý, hai quý liền là suy thoái nhưng chưa phải là suy thoái kép. Lưu ý ở Việt Nam chúng ta tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại so với những năm trước đây và thấp hơn so với kế hoạch. Nhưng các quý chúng ta đều tăng trưởng dương, thấp nhất quý I cũng tăng đến 4%. Quý II nhích lên trên 4%. Điều đó có nghĩa là nói chính xác, nền kinh tế của chúng ta tăng trưởng chậm lại nhưng mà chưa có suy thoái.
CPI âm có nguy cơ giảm phát không? Đúng là CPI 2 tháng vừa qua âm, nhưng chúng ta phải nhìn nhận rằng Chỉ số tiêu dùng, cùng đó là lạm phát của tất cả các nền kinh tế về cơ bản là rất thấp. Những nền kinh tế đang phát triển phần nhiều có lạm phát dương nhưng mức lý tưởng cũng chỉ khoảng 2 - 3%. Chúng ta dù rằng 2 tháng vừa qua CPI âm nhưng ngoại trừ các yếu tố về xăng dầu, về lương thực thì vẫn còn dương. Nếu tiếp tục đà này thì cuối năm chúng ta cố gắng vẫn khoảng 6 - 7%, như vậy vẫn còn rất cao.
PV Lê Bình: Tôi đồng tình với Bộ trưởng nhưng tôi nghĩ đa phần người dân không hiểu về kinh tế vĩ mô. Một nền kinh tế ổn định thì thế nào là ổn định? Lạm phát bao nhiêu là ổn định và tăng trưởng bao nhiêu là ổn định? Thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Trong một quá trình dài liên tục chúng ta tăng trưởng 7 - 8% cho nên bây giờ chúng ta vẫn đặt ra mục tiêu cả nhiệm kỳ là tăng trưởng từ 6 - 7%. Hiện nay, khi tăng trưởng chỉ 4% chúng ta đều thấy là quá thấp. Đúng là chúng ta phải phấn đấu tăng trưởng nhanh hơn vì chỉ có bằng cách đấy chúng ta mới thu hẹp khoảng cách với các nền kinh tế khác. Tuy nhiên nếu nói chung kinh tế thế giới thì chúng ta hiểu rằng chỉ cần duy trì tăng trưởng ở mức dương đã là rất tốt và mức độ tăng trưởng trung bình của thế giới khoảng 3% thì nước nào trên 3% có nghĩa là tốt hơn bình thường.
Nói về lạm phát phức tạp hơn một chút. Chúng ta có thể hiểu nôm na lạm phát tức là đồng tiền mất giá. Ở các nước đang phát triển thì thường lạm phát dương, đồng tiền mỗi năm mất giá vài %. Tại sao không nên lạm phát nhiều quá? Bởi vì ví dụ đồng tiền mất giá 3%, bạn có tiền bạn gửi vào ngân hàng thì phải nhiều hơn 3% bạn mới gửi, ví dụ bạn gửi 4%. Ngân hàng huy động vào 4% thì ngân hàng vẫn phải có lãi, cho vay ra doanh nghiệp khoảng 6 - 7%. Khi doanh nghiệp có lãi suất khoảng 6 - 7% thì mức chung của thế giới hiện nay khoảng như vậy. Thế nên khi nền kinh tế của chúng ta mà lạm phát cao, tức là đồng tiền mất giá cao thì tiền gửi của người dân vào ngân hàng lãi suất phải cao. Ngân hàng cho ra doanh nghiệp lãi suất phải cao hơn. Như vậy doanh nghiệp nước ta phải vay vốn với lãi suất cao hơn so với doanh nghiệp các nước thì đương nhiên chúng ta cạnh tranh sẽ khó khăn.
PV Lê Bình: Như vậy thì ổn định có nghĩa là mức lạm phát ở Việt Nam ở thời điểm này khoảng 5% và tăng trưởng 6%. Tôi hơi băn khoăn là tại sao Chính phủ chỉ đặt mục tiêu là lạm phát dưới 2 con số?
Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Câu hỏi của bạn rất thú vị. Có rất nhiều người hỏi tôi câu hỏi này. Quay lại một năm trước đây, tình hình kinh tế của chúng ta lúc đó lạm phát rất cao. So với cùng kỳ 2010, chỉ số giá tiêu dùng lên đến trên 20%. Lúc đó lãi suất ngân hàng huy động vào 13 - 14% và cho vay 18%. Đấy là lãi suất chính thức công bố, còn thực tế có thể cao hơn. Trong bối cảnh đó Chính phủ đặt ra mục tiêu phải ưu tiên kiềm chế lạm phát. Để kiềm chế lạm phát thứ nhất phải xuống từng bước, thứ hai là duy trì tốc độ tăng trưởng một cách hợp lý.
Nếu chúng ta thắt chặt quá thì kinh tế không tăng trưởng được. Nếu kinh tế không tăng trưởng được thì lao động thất nghiệp và nhiều hệ lụy khác dẫn tới mất ổn định vĩ mô. Vì thế Chính phủ đề ra lộ trình tương đối dài hạn và chắc chắn là năm 2012 lạm phát phải xuống dưới một con số, tiếp tục những năm tới đây phải xuống, đến khi chúng ta có môi trường vĩ mô ổn định, có nhiều chỉ số trong đó có chỉ số lạm phát dưới 5%. Từ đó, chúng ta mới có thể phát triển một cách ổn định, vững chắc.
PV Lê Bình: Người dân đang nhìn thấy một bức tranh kinh tế có nhiều gam màu tối. Chính phủ đánh giá về một năm điều hành của mình như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Bất kể đánh giá một vấn đề gì mình phải căn cứ vào mục tiêu đề ra. Nếu cách đây một năm chúng ta thấy nó mất ổn định về vĩ mô quá mà cứ lạm phát thế này thì gay go to, bằng mọi cách phải ổn định. Lúc đó tương tự như là một gia đình mãi không thể có con, tìm mọi cách để có con. Bây giờ chúng ta kéo được nó về.
Chỉ số giá tiêu dùng bắt đầu xuống hiện nay so với đầu năm còn hơn 2%, so với cùng kỳ còn chưa đến 5%, nếu như đà này đến cuối năm chúng ta còn khoảng 7% thì quá tốt. Ví như là chúng ta mơ ước mãi chưa có con thì bây giờ người phụ nữ có thể mang thai. Đương nhiên lúc đó có tác dụng phụ thấy mệt mỏi, nhưng mừng vẫn là chính, quan trọng chúng ta phải kiên trì, để sao cho chúng ta sinh nở được. Đấy chính là cái chúng ta phải đẩy mạnh mấy chương trình tái cơ cấu.
(Còn tiếp)

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước