Cả nước tưng bừng đón Lễ Khai giảng

Tổng hợp-Thứ hai, ngày 05/09/2011 15:37 GMT+7

Sáng nay, các trường thuộc nhiều cấp học khác nhau trên cả nước đã tổ chức khai giảng năm học mới 2011-2012 và Ngày hội đưa trẻ tới trường.

Tại Hà Nội:

Tại trường Mầm non Hoa Mai quận Cầu Giấy, năm học mới này với chủ đề tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục như 2 năm liên tục trước đây đã thực hiện, thầy và trò nhà trường đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm và tiếp tục đặt mục tiêu hoàn thành toàn diện các mặt công tác nhờ vào trình độ giáo viên nhà trường 100% có trình độ Đại học.
Trường tiểu học Văn Chương, quận Đống Đa cũng đã tổ chức khai giảng năm học mới 2011-2012 vào hôm nay. Tiếp tục triển khai phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, kế thừa kết quả năm học vừa qua là trường tiên tiến cấp Quận, thầy và trò nhà trường đề ra mục tiêu đạt được thành tích tốt nhất trong suốt quá trình học tập, rèn luyện và giảng dạy trong năm học mới này.
Hôm nay, thầy và trò trường Tiểu học Thành Công A cũng đã tổ chức lễ khai giảng năm học mới. Năm học này, trường đón nhận 300 học sinh vào lớp 1 với 6 lớp. Đây là trường điểm của quận Ba Đình với nhiều năm liền đạt danh hiệu lá cờ đầu. Trường có đội ngũ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn, hằng năm có nhiều giáo viên giỏi và nhiều học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi các cấp.
Các tỉnh miền núi phía Bắc:
Nhiều trường học tại tỉnh Tuyên Quang đã bước vào năm học 2011-2012 sau khi cả nhà trường và gia đình đã có sự chuẩn bị chu đáo trước các điều kiện đặc thù còn nhiều khó khăn của khu vực giáo dục miền núi, vùng cao.
Toàn tỉnh Tuyên Quang có 476 trường thuộc các cấp học, với gần 180 nghìn học sinh. Để nâng cao chất lượng giáo dục và thực chất trong việc dạy và học, các trường đã tăng cường khắc phục hiện tượng học sinh ngồi sai lớp, nâng cao trình độ giáo viên để giảm tỷ lệ học sinh yếu kém, tăng tỷ lệ học sinh khá, giỏi. Vận động các gia đình có con em trong độ tuổi cho con em đến trường để giảm tỷ lệ học sinh bỏ học.
Song song với đó là công tác đẩy nhanh tiến độ kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên, đặc biệt là tại những khu vực hẻo lánh, còn nhiều khó khăn.
Năm học mới 2011-2012, tỉnh Điện Biên có 145 ngàn học sinh của 4 cấp học, tăng 10% so với năm học trước. Năm ngoái, kết quả công tác giáo dục của tỉnh Điện Biên cho thấy, có 98% học sinh đi học đúng độ tuổi, học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 96,3%, tốt nghiệp THCS đạt 99,3%, tốt nghiệp THPT 95,65%. Toàn tỉnh có 8/9 huyện thị hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, 101 trường đạt chuẩn quốc gia. Đây là những con số để cho năm học mới này, toàn tỉnh Điện Biên tiếp tục cố gắng phấn đấu đạt được những thành tích tốt hơn.
Trong ngày khai giảng năm học mới 2011-2012, thống kê cho thấy đã có 91% trẻ 5 tuổi ra lớp, 98% trẻ 6 tuổi vào lớp 1, học sinh THCS là 80%. Với đặc thù miền núi vùng cao nhưng 100% các trường đã đón con em các đồng bào tựu trường đúng ngày.
Khai giảng năm học mới và ngày hội đưa trẻ tới trường của nhiều địa phương thuộc tỉnh Hòa Bình sớm hơn 1 ngày so với nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước diễn ra trong ngày hôm nay, nhưng nhờ công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, toàn tỉnh Hòa Bình đã huy động được trên 189.000 học sinh, sinh viên ra lớp, tăng trên 3000 em so với năm học trước. Giáo dục mầm non huy động trên 51.800 cháu, đạt tỷ lệ 72%, trong đó trẻ 5 tuổi ra lớp là gần 13.000 cháu, đạt tỷ lệ 99,9%. Đặc biệt, giáo dục tiểu học huy động gần 58.200 học sinh, trong đó huy động số trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%.
Tây Nguyên:
Sáng nay, trên một triệu học sinh các tỉnh Tây nguyên đã náo nức bước vào năm học mới 2011-2012. Đây là năm học mà các tỉnh Tây nguyên “tiếp tục thực hiện đổi mới công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”.
Năm học 2011-2012, tỉnh Kon Tum là địa phương có tỷ lệ học sinh dân tộc ít người cao nhất Tây nguyên, chiếm 60% trong tổng số hơn 130 ngàn học sinh các cấp. Trong năm học qua, tỉnh Kon Tum đã xây dựng được nhiều mô hình tự học như: “Tiếng kẻng học tập” tại nhiều thôn, làng, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng sâu. Tuy nhiên, năm học mới này, ngành giáo dục tỉnh Kon Tum vẫn phải đối mặt với tình trạng nhiều trường học ở vùng sâu đã xuống cấp, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo học sinh.
Tại Gia Lai, mặc dù sáng nay trời mưa, song đông đảo học sinh tại 770 trường học trong tỉnh đã nô nức dự lễ khai giảng năm học mới. Năm học 2011-2012, tỉnh Gia Lai có 350.000 học sinh các cấp, tăng gần 13.000 học sinh so với năm ngoái, trong đó có trên 100.000 học sinh là đồng bào dân tộc ít người. Đặc biệt, năm nay tỉnh Gia Lai đã thành lập được 15 trường bán trú theo Quyết định 85 của Thủ tướng Chính phủ. Mô hình này sẽ tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho việc học tập của khoảng 2.500 học sinh dân tộc Bana, Jrai tại các xã vùng sâu của tỉnh Gia Lai.
Năm học này, tỉnh Đăk Lăk có gần 500.000 học sinh các cấp, trong đó học sinh dân tộc ít người chiếm 30%. Để phục vụ tốt cho công tác giảng dạy, tỉnh Đăk Lăk đã xây dựng thêm 1.000 phòng học mới, đảm bảo cơ sở vật chất trường lớp cho năm học 2011-2012. Một tín hiệu vui nữa đối với ngành giáo dục tỉnh Đăk Lăk trong năm học này, đó là tình trạng bỏ học đã giảm rất nhiều so với trước đây.
Riêng tại tỉnh Đăk Nông, tuy là địa phương còn nghèo, song chính quyền địa phương cũng đã nỗ lực đầu tư, chăm lo cho công tác dạy và học trên địa bàn. Năm học 2011-2012, tỉnh Đăk Nông có khoảng 140.000 học sinh các cấp, tăng hơn 2.000 em so với năm học trước. Tỉnh Đăk Nông cũng đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng xây dựng thêm 265 phòng học mới. Tuy nhiên, năm học này tỉnh Đăk Nông vẫn còn thiếu 900 phòng ở cho giáo viên và vẫn còn hơn 600 phòng học tạm bợ, tranh tre, nứa lá.
Vùng đảo Khánh Hòa
Hôm nay, trên 261 ngàn học sinh tỉnh Khánh Hòa đã bước vào năm học mới. Khánh Hòa là một trong những địa phương có nhiều đảo nhất nước và cũng là nơi có đông dân số sống ở đảo. Thế nhưng, điều đáng mừng là chất lượng giáo dục tại vùng đảo đang ngày càng rút ngắn khoảng cách so với khu vực thành phố.
Chỉ mới rạng sáng, con đò ra đảo đã bắt đầu khởi hành. Khách trên đò là những giáo viên của trường tiểu học Vĩnh Nguyên 3, những người gắn bó với học sinh ở các đảo Trí Nguyên, Hòn Một, Vũng Ngán, Đầm Bấy, Bích Đầm thuộc phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang.
Không riêng ngày khai trường, mà bất cứ thời gian nào trong năm học, những giáo viên, học sinh đi lại giữa đảo với đất liền, chủ đò không thu tiền. Đây được gọi là con đò khuyến học.
Tại đảo Trí Nguyên, mới hơn 6 giờ, nhiều học sinh đã có mặt ở trường. Có một thói quen trong những học sinh ở đây, chỉ cần một vài ngày không đến trường, bao giờ, ngày đi học đầu tiên, các em cũng đến trường rất sớm. Ham thích đến trường đã là nếp quen đối với những học sinh ở đảo. Ngay như chuyện chuẩn bị đến lớp, không như nơi khác, bố mẹ phải lo cho con từng cuốn sách, quyển vở, còn ở đây, các em tự chuẩn bị và hầu như không bao giờ thiếu sót.
Tiếng trống khai trường dường như vang xa hơn ở vùng đảo. Không chỉ do không gian ở đảo mà còn bởi sự háo hức của mọi học sinh trong trường, mọi người dân trên đảo. Hy vọng được thắp lên trong ngày tựu trường: Sự thay đổi của đảo bắt đầu từ chuyện học hành. Năm học này, ở bậc tiểu học, học sinh ở các đảo phường Vĩnh Nguyên cũng học 2 buổi/ngày - điều tưởng như chỉ tổ chức được ở thành phố.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước