Chỉ số HDI của Việt Nam ở mức trung bình

Việt Hà-Thứ năm, ngày 10/11/2011 10:00 GMT+7

“Báo cáo Phát triển con người của Việt Nam năm 2011” cho thấy, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam năm nay đứng trong nhóm các nước có mức phát triển con người trung bình.

Ảnh minh hoạ. (Internet)

Các chuyên gia của LHQ cũng đánh giá, những tiến bộ về phát triển xã hội, bao gồm cả y tế và giáo dục diễn ra chậm và chưa đóng góp nhiều cho chỉ số này của Việt Nam. Chỉ số phát triển con người được tính không chỉ dựa trên thu nhập, mà cả những tiến bộ đạt được trong chăm sóc sức khoẻ và giáo dục.
Chỉ số phát triển con người của Việt Nam đứng thứ 128/187 nước. Trên Việt Nam có Tajikistan, Kyzgyzstan, Vanuatu, Indonesia, ngay sát dưới Việt Nam là Nicaragua, Morocco, Guatemala, Iraq.
Báo cáo này cho thấy, trong 20 năm qua, chỉ số phát triển con người của Việt Nam đã tăng thêm 37%. Trong đó, tăng trưởng kinh tế, cụ thể là tăng trưởng thu nhập đã góp phần lớn nhất, cụ thể là hơn một nửa cho tiến bộ đạt được. Trong khi đó, chỉ số về y tế, giáo dục còn thấp đang làm chậm lại tiến bộ chung của Việt Nam. Mức chi tiêu công cho giáo dục của Việt Nam có thể so sánh với các nước trong khu vực, nhưng chất lượng giáo dục lại thấp hơn. Còn mức chi tiêu cho y tế hầu hết từ các nguồn tư nhân, 56% là chi từ tiền túi người dân.
Bà Setsuko Yamazaki, Giám đốc UNDP tại Việt Nam cho biết: “Lần đầu tiên, báo cáo này áp dụng một chỉ số mới trong khảo sát tầm quốc gia ở Việt Nam, đó là chỉ số đói nghèo đa chiều. Năm 2008, tỷ lệ nghèo về thu nhập ở Việt Nam là 14,5%, trong khi tỷ lệ nghèo đa chiều là 23,3%”.
Báo cáo cũng cho thấy, giữa các tỉnh vẫn còn sự chênh lệch đáng kể. Trong khi các tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng có mức độ phát triển con người tương đương với Trung Quốc, Jordan, Belize, thì các tỉnh nghèo như Lai Châu, Hà Giang có mức độ phát triển con người tương đương với Papua New Guinea và Swaziland.
Các chuyên gia của UNDP nhận định: Báo cáo phát triển con người này có thể cung cấp dữ liệu cho các nhà hoạch định chính sách trong việc xây dựng kế hoạch phát triển tiếp theo và đưa ra những quyết định đầu tư đúng đắn cho các dịch vụ xã hội ở cả cấp quốc gia và địa phương, nhằm hiện thực hóa tiềm năng phát triển con người của Việt Nam.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước