Chính phủ xem xét nhiều dự án luật quan trọng

Trung Kiên (Ban Thời sự)-Thứ ba, ngày 22/08/2017 20:15 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật. (Ảnh: VGP)

VTV.vn - Sáng 22/8, Chính phủ đã tiến hành phiên họp chuyên đề để cho ý kiến vào các dự luật sẽ được trình Quốc hội trong kỳ họp cuối năm nay.

Tại phiên họp chuyên đề lần thứ 2 trong năm nay về xây dựng pháp luật, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định tiến hành sửa đổi luật đầu tư công và nghiên cứu xây dựng dự luật đầu tư theo hình thức đối tác công - tư.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, vừa qua, Chính phủ đã nỗ lực xây dựng, trình Quốc hội thông qua nhiều văn bản pháp luật, nhưng mới đáp ứng một phần yêu cầu phát triển đất nước, trong khi vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập trong việc xây dựng thể chế. Chính vì điểm nghẽn đó nên Chính phủ đang ưu tiên hoàn thiện thể chế cả về pháp luật và chính sách, mặc dù trong phần đầu các phiên họp thường kỳ, Chính phủ luôn tập trung vào công tác xây dựng thể chế, nhưng vẫn làm không hết.

Cho ý kiến vào dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), một trong những đạo luật nền tảng của kinh tế thị trường, các thành viên Chính phủ nhất trí dự thảo luật tiếp tục điều chỉnh hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bao trùm lên quy định của các đạo luật chuyên ngành khác. Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu cơ quan soạn thảo là Bộ Công Thương cần rà soát lại các luật chuyên ngành khác để bảo đảm không xảy ra xung đột và chồng chéo. Thủ tướng cũng nhắc lại yêu cầu không đưa quy định về bộ máy vào trong các dự luật, nên dự Luật này không được quy định Ủy ban cạnh cạnh thuộc Chính phủ, do Chính phủ thành lập có chức năng tài phán và xử lý các vấn đề về cạnh tranh.

Đối với dự án luật Luật thuế bảo vệ môi trường (sửa đổi), các thành viên Chính phủ nhất trí, dự luật quy định điều chỉnh khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ 1.000 – 4.000 đồng/lít, lên từ 3.000 – 8.000 đồng/lít. Trừ dầu hỏa vẫn giữ như mức như hiện hành. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định mức thuế cụ thể phù hợp với từng thời kỳ. Riêng xăng dầu sinh học, chỉ chịu mức bằng 70-80% so với mức thuế của xăng dầu gốc hóa thạch. Về mức thuế bảo vệ môi trường đối với dung dịch HCFC được sử dụng trong làm lạnh và sản xuất vật liệu cách nhiệt, các thành viên Chính phủ nhất trí dự luật quy định mức thuế mới từ 30.000 – 20.000 đồng/kg, thay vì mức hiện hành từ 1.000 – 5.000 đồng mỗi kg. Đối với túi nilon khó phân hủy, dự luật quy định mức thuế từ 40.000 – 200.000 đồng mỗi kg, so với từ 30.000 – 50.000 đồng mỗi kg. Riêng với màng nilon được sử dụng nhiều trong nông nghiệp sẽ không bị đánh thuế.

Dành nhiều thời gian thảo luận về dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện dự thảo theo hướng đây là luật chung về Khu hành chính kinh tế đặc biệt, trước mắt được áp dụng ở Phú Quốc, Vân Đồn và Vân Phong. Dự luật này phải bảo đảm thông thoáng, ưu đãi vượt trội và không bị ràng buộc bởi tư duy cũ theo kiểu "luật pháp hiện hành không cho phép", nhằm tạo nên một "thiên đường về đầu tư" ở các Khu hành chính - kinh tế đặc biệt. Theo đó, các khu này không tổ chức hội đồng nhân dân mà chịu dự giám sát của hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Trưởng đặc khu khu do Thủ tướng bổ nhiệm, có quyền hạn tương đương với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, hệ thống tòa án và Viện kiểm sát cũng theo mô hình riêng.

Cho ý kiến vào báo cáo kết quả rà soát và đề xuất về các dự án luật để sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến đất đai, xây dựng nhà ở, đầu tư, kinh doanh và quy hoạch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ phải thực hiện nhiệm vụ này tích cực hơn, vì đã được Thủ tướng đặt ra từ nhiều phiên họp Chính phủ gần đây. Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ phải theo tinh thần Chính phủ hành động, để kiến nghị sửa đổi kịp thời những quy định không còn phù hợp, cản trở doanh nghiệp trong đầu tư, kinh doanh, chứ không phải rà soát rồi giải thích theo kiểu luật đã quy định như vậy thì phải làm theo, hoặc bỏ qua. Hơn nữa, việc sửa đổi cũng phải tạo điều kiện cho điều hành, không để chính sách do chính mình đề ra trói buộc điều hành của Chính phủ. Cũng trên tinh thần đó, khi cho ý kiến vào Báo cáo rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật đầu tư công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo dự Luật đầu tư công (sửa đổi), đi cùng với dự thảo Nghị định sửa đổi các Nghị định liên quan đến đầu tư công, còn Bộ Tài nguyên và Môi trường dự thảo Luật Môi trường (sửa đổi) để trình Chính phủ trong tháng 9 tới, nhằm thu hút mạnh me hơn các nguồn vốn đầu tư từ xã hội.  Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng được giao lập tổ công tác đề nghiên cứu sửa Nghị định và chuẩn bị xây dựng dự luật về đầu tư đối tác công - tư.

Cho ý kiến vào Báo cáo về kết quả rà soát điều kiện đầu tư kinh doanh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, trong đó kiến nghị loại bỏ 2.000 trong số 4.000 điều kiện kinh doanh hiện hành, Thủ tướng yêu cầu các bộ phải rà soát, đối thoại với doanh nghiệp về các điều kiện kinh doanh để chủ động hoặc kiến nghị sửa đổi. Thủ tướng quyết định khởi động tại Tổ thi hành luật doanh nghiệp, đồng thời giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự thảo nghị định hoặc Chỉ thị về điều kiện kinh doanh trình Thủ tướng vào quý 4 tới. Đến cuối năm nay các bộ sẽ phải báo cáo Chính phủ danh mục các điều kiện kinh doanh được bãi bỏ. Cũng trong phiên họp này, Chính phủ đã nhất trí với đề nghị xây dựng dự án Luật chứng khoán (sửa đổi) và Nghị định quản lý và tổ chức lễ hội.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước