Chính sách tài khóa - tiền tệ trong nền kinh tế vĩ mô

Tuyết Mai-Chủ nhật, ngày 13/05/2012 11:30 GMT+7

Bộ Tài chính và NHNN vừa tổ chức hội thảo “Phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ trong điều hành kinh tế vĩ mô” nhằm lấy ý kiến các chuyên gia kinh tế trong việc triển khai các chính sách thời gian tới.

Hội thảo được tổ chức ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 13 về "Một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường" với những chính sách tài khóa và tiền tệ cụ thể. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ có hướng dẫn cụ thể cho khoản 29.000 tỷ đồng hỗ trợ DN về thuế và thị trường, giúp DN giảm bớt nghĩa vụ về thuế, tạo nguồn để DN có thể tạm giữ lại một phần tiền thuế làm nguồn vốn cho đầu tư sản xuất.

Ngân hàng nhà nước cùng lúc thực hiện chính sách tiền tệ, giảm lãi suất, giúp DN có điều kiện tiếp cận với nguồn vốn giá thấp, đẩy mạnh sản xuất và lưu thông hàng hóa.
Về cơ bản, hai chính sách tài khóa và tiền tệ lúc này là nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN. Tuy nhiên làm thế nào để các chính sách này vận hành một cách nhịp nhàng, tác dụng hỗ trợ kịp thời đến DN lại là câu chuyện phải bàn. Đặc biệt là sự phối hợp giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nước trong việc triển khai các chính sách này. Làm sao để cùng “bốc thuốc” chữa trị khó khăn nhưng không trùng lắp, hoặc mâu thuẫn.
Ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia phát biểu: “Để thiết thực hơn, chúng ta phải tìm hiểu sâu hơn lĩnh vực nào khó khăn, sau đó mới chia thành các nhóm hỗ trợ khác nhau. Cách này tuy mất thời gian nhưng chúng ta phải khẩn trương để làm sao chính sách tài khóa có thể làm “mồi” giúp cho tiêu thụ sản phẩm”.
Một số ý kiến cho rằng, do cả chính sách tiền tệ và tài khóa cùng tác động trực tiếp vào quá trình hoạt động kinh doanh của DN, nên chăng có thể gộp lại thành một gói thống nhất để cả Ngân hàng nhà nước và Bộ Tài chính cùng phối hợp thực hiện, tránh tình trạng liên quan đến phần việc của mình, mỗi Bộ đưa ra một chính sách chuyên biệt.
Ông Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia kinh tế nhìn nhận: “Tài khóa, tiền tệ thường tách rời nhau. Đâu đó sẽ có khoảng trống về phối hợp, DN nộp thuế tốt nhưng không nhận được khích lệ để vay vốn thì ngân hàng có bộ tiêu chí riêng, nếu làm tốt được sẽ kích thích, động viên các doanh nghiệp”.
Đại diện Ngân hàng nhà nước cho biết, hiện cơ quan này đã cùng với Bộ Tài chính ký kết quy chế phối hợp thông tin. Theo đó, sự phối hợp sẽ không chỉ dừng lại ở việc trao đổi số liệu, mà sẽ tham vấn sâu hơn trong từng hoạt động nghiệp vụ để có sự thống nhất cao về chính sách.
Ông Đào Minh Tú, Chánh văn phòng Ngân hàng nhà nước nêu quan điểm: “Chúng tôi kỳ vọng không chỉ thông tin mà có sự tham vấn về xây dựng cơ chế, nghị định, thông tư từ cấp chuyên viên, vụ, cục để tạo sự thống nhất”.
Phần lớn các ý kiến đều tỏ đồng thuận và kỳ vọng vào các chính sách tài khóa và tiền tệ trong thời gian tới. Để các chính sách phát huy tác dụng, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nước cần phải liên tục cập nhật việc sử dụng gói hỗ trợ này, cũng như đánh giá ngay tác động của nó đến nền kinh tế, để có những giải pháp hỗ trợ kịp thời trong mọi tình huống phát sinh...

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước