Chương trình bình ổn giá phát huy tác dụng

Hải Duyên-Chủ nhật, ngày 29/08/2010 14:00 GMT+7

Theo đại diện một số siêu thị trên địa bàn TP.Hà Nội và TP.HCM, sắp tới có thể có một đợt tăng giá từ phía các nhà cung cấp đối với một số mặt hàng với lý do tỷ giá của đồng USD vừa được nới rộng và giá xăng dầu cũng tăng trước đó.

Ngoài thị trường, nhiều mặt hàng vốn rất ít bị tác động trực tiếp từ tỉ giá USD như rau củ quả, các loại thực phẩm tươi sống, nhưng hiện tượng tăng giá theo cũng đang diễn ra. Và những lúc thị trường có biến động, chương trình Bình ổn giá của TP.Hà Nội cho 13 đơn vị chủ lực tham gia với 9 mặt hàng thiết yếu sẽ phát huy được tác dụng. Việc các đơn vị tăng cường dự trữ hàng hóa đã có khả năng định hướng được thị trường, tránh tình trạng khan hàng sốt giá, cũng như góp phần kiềm chế tốc độ tăng giá trên thị trường.

Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), đơn vị được TP.Hà Nội tạm ứng hỗ trợ vay số vốn 130 tỷ đồng cho chương trình bình ổn giá. Đến thời điểm này, đơn vị đã nhận được 60% của 130 tỷ đồng và đã dự trữ được một lượng hàng lớn gồm 9 mặt hàng thiết yếu mà TP yêu cầu: Gần 1.200 tấn gạo, 270 tấn thịt gia súc, hơn 240 tấn thịt gia cầm, gần 6 triệu quả trứng, hơn 260 tấn thủy hải sản và gần 1.900 tấn rau, củ quả các loại…

Ông Chu Xuân Kiên, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội cho biết: “Trước mắt, chúng tôi triển khai tới tất cả những nhà cung ứng sản xuất, nhà cung ứng tiêu dùng theo 9 mặt hàng này. Hiện nay, giai đoạn đầu chúng tôi cam kết với TP là 50 cửa hàng treo biển bình ổn giá và có thông tin đầy đủ giá đến khách hàng. Từ nay đến cuối năm, chúng tôi tổ chức hơn 100 điểm nữa để phục vụ khách hàng”.

Tại siêu thị Saigon Coop, ngay sau khi nhận được tiền tạm ứng trước 6 tỷ đồng, đơn vị đã triển khai ngay việc tích trữ hàng bình ổn giá thông qua các nhà cung cấp, các nhà phân phối với số tiền là 5 tỷ đồng, bản thân siêu thị cũng chủ động dự trữ lượng hàng tại kho của siêu thị là 3 tỷ đồng để ứng phó kịp thời khi thị trường có biến động giá. Theo đại diện của siêu thị, mặc dù chương trình mới được khởi động, nhưng lượng khách đến mua hàng đã tăng từ 10-20% so với ngày thường.

Bà Lê Thị Ngọc Mẫn, Phó Giám đốc ngành hàng Thực phẩm - Công ty TNHH Saigon Co.op Hà Nội: “Chúng tôi có biểu đồ theo dõi về biến động giá hàng tuần, có nghĩa là nó chưa xảy ra biến động mình cũng theo dõi để có ứng phó kịp thời, sau đó làm việc với nhà cung cấp để 2 bên có cam kết với nhau dự trữ hàng với số lượng cụ thể với từng nhà cung cấp”.

Những năm trước, thời gian của chương trình Bình ổn giá ngắn và tiền tạm ứng từ TP tới các đơn vị tham gia khá chậm, do đó các đơn vị gặp khó khăn trong vấn đề đặt hàng khi mà các nhà sản xuất đã có kế hoạch sẵn cho tới cuối năm. Tuy nhiên, năm nay TP.Hà Nội đã có sự đổi mới về thời gian và kế hoạch tạm ứng vốn, tạo điều kiện cho các đơn vị sớm chủ động nguồn hàng.

Theo các đơn vị tham gia chương trình Bình ổn giá, chương trình với thời gian kéo dài 9 tháng, từ tháng 7 đến tháng 3/2011 cũng sẽ giúp các nhà cung cấp có điều kiện đầu tư sản xuất, dự trữ hàng hóa một cách bài bản, theo quy mô công nghiệp, cũng như có vốn để thay đổi thiết bị, dây chuyền sản xuất. Nhờ vậy, đơn vị có thể tạo ra nguồn hàng mới dồi dào, chủ động được giá cả thấp hơn thị trường từ 10-15% khi có biến động về hàng hóa.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước