Chuyện vẽ cờ Đảng và chân dung Bác bằng máu

Nguyễn Ngân-Thứ năm, ngày 02/09/2010 14:30 GMT+7

Căn nhà nhỏ của cựu tù Phú Quốc Nguyễn Thế Nghĩa (Bắc Giang), nơi lưu giữ bản gốc của 2 kỉ vật lá cờ Đảng và chân dung Bác được vẽ bằng máu. Với ông, kí ức về ngày 2/9 cách đây 41 năm vẫn mãi không thể phai mờ.

Chân dung Bác bằng máu.

Ngày 2/9/1969, tại nhà tù Phú Quốc, một buổi kết nạp Đảng viên mới được tiến hành ngay sau khi Bác mất. Trong buổi lễ trang trọng đó, những người được kết nạp hướng về lá cờ Đảng và tấm hình Bác được vẽ bằng máu, hứa với Đảng, với Bác suốt đời kiên trung phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng mà Đảng và Bác đã chọn. 41 năm đã trôi qua, những người Đảng viên được kết nạp năm xưa, nay người còn người mất, nhưng lá cờ Đảng và bức chân dung Bác vẫn được họ giữ gìn như báu vật.

Ông Nguyễn Thế Nghĩa (Bắc Giang) - Cựu tù Phú Quốc nhớ lại: “Những ngày đó là ngày quân địch đàn áp nhiều nhất và tra tấn anh em dã man nhất. Ngày kỉ niệm 2/9 là ngày mà quân địch rất khiếp sợ, ở ngoài chiến trường đánh mạnh, trong lao tù chúng tôi lấy ngày kỉ niệm đó là ngày đấu tranh để kẻ địch khuất phục rằng: Ở đâu cũng có Đảng, ở đâu cũng có Bác”.

Niềm vui trong ngày gặp lại của những người tù năm xưa. Có rất nhiều người trong số họ đã ngã xuống. Câu chuyện luôn được họ nhắc đi nhắc lại vào ngày Tết độc lập vẫn là buổi kết nạp Đảng trong tù ngày 2/9/1969.

Ngay khi được tin Bác mất, Đảng bộ trong nhà tù quyết định tổ chức buổi kết nạp đảng viên mới để tăng cường lực lượng cho Đảng. Có được lá cờ Đảng và tấm ảnh Bác Hồ trong buổi lễ kết nạp là vô cùng khó khăn, vì điều kiện trong nhà tù bị kiểm soát hết sức gắt gao. Nếu bị bại lộ, thì người vẽ và cả chi bộ lập tức bị thủ tiêu.

‘ Cờ Đảng bằng máu.

Ông Nguyễn Thế Nghĩa, Cựu tù Phú Quốc kể: “Họp chi bộ, chỉ còn 2 ngày nữa là kết nạp mà cần phải có cờ, có 1 đồng chí bảo: "Anh Nghĩa ơi lấy máu làm cờ đi. Tôi sướng quá, lấy ngay 1 miếng tôn, đánh ngay vào cạnh tôn, sau đó máu tóe ra. Khi cắt 1 miếng thì lại bị loang lổ, chỗ thì nhiều máu, chỗ lại không có. Thấy hơi buồn vì như là cờ rách, các đồng chí của tôi lại bảo rằng: Anh Nghĩa có em đây. Sau đó, tôi thấy máu của những người bạn cũng nhỏ ra. Tôi lấy miếng giấy để vào bàn tay... có nhiều tiếng khóc, Bác Hồ, Bác Hồ của chúng ta đây rồi”.

Với những người lính tham gia trực tiếp vào buổi kết nạp Đảng ngày ấy, đây là 2 kỉ vật có ý nghĩa thiêng liêng như chính niềm tin yêu vào con đường mà Đảng, và Bác đã chọn lựa.

Ông Nguyễn Trọng Dư, Cựu tù Phú Quốc nói: “Khi làm xong lá cờ và vẽ được ảnh Bác bằng máu như thế, chúng tôi tin tưởng vào Đảng và Bác: Một ngày nào đó, chúng tôi sẽ giành chiến thắng”.

Có những câu chuyện sẽ không bao giờ trở nên xưa cũ bởi nó đã đi liền với lịch sử của dân tộc. Có những kỉ vật đã trở nên vô giá bởi nó gắn liền với khí thế bất khuất, quật cường của cả một thế hệ người dân Việt Nam.

Lá cờ Đảng và chân dung Bác Hồ được vẽ bằng máu sẽ vẫn thắp sáng mãi khí tiết của những người tù cách mạng. Bởi nó là chứng tích một thời của những chiến sĩ dù sống nơi “địa ngục trần gian” nhưng vẫn một lòng hướng về Đảng, về Bác.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước