Công ước quốc tế về quyền người khuyết tật: Bất cập từ môi trường pháp lý

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 27/11/2015 11:42 GMT+7

VTV.vn - Một trong những vấn đề đặt ra cho Việt Nam khi thực hiện Công ước quốc tế về quyền người khuyết tật đến từ chính môi trường pháp lý còn một vài điều chưa tương thích.

Với khoảng 7 triệu người khuyết tật, chiếm 7,8% dân số, Việt Nam là một trong những quốc gia có số người khuyết tật cao tại châu Á. Vì vậy, Chính phủ đã rất quan tâm tới việc hỗ trợ người khuyết tật thông qua nhiều chính sách, đặc biệt trong đó có ban hành Luật người khuyết tật năm 2011 và phê duyệt Đề án 1019 về hỗ trợ người khuyết tật giai đoạn 2012 – 2020. Những nỗ lực này của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Tuy nhiên, sau 8 năm thực hiện Công ước quốc tế về quyền người khuyết tật, 5 năm thực hiện Luật người khuyết tật và 3 năm thực hiện Đề án hỗ trợ người khuyết tật, Việt Nam vẫn còn một số mục tiêu chưa đạt được. Đây là những vấn đề Chính phủ Việt Nam đang quyết tâm giải quyết để thực hiện các cam kết quốc tế.

Theo đó, việc chăm sóc sức khỏe, y tế, dạy nghề và tạo việc làm, tái hòa nhập cộng đồng cho người khuyết tật ngày càng được quan tâm hơn. Ngân sách Nhà nước cũng được nâng lên để trợ cấp hàng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho người khuyết tật. Đến nay, 100% xã phường đã thành lập Hội đồng xác định mức độ khuyết tật theo quy định của Nhà nước.

Song, do đặc thù ở Việt Nam có 36% người khuyết tật mù chữ, 70% người khuyết tật ở nông thôn nên việc hỗ trợ người khuyết tật, đặc biệt với trẻ em là các vấn đề Bộ, ngành phải đối mặt trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ cho người khuyết tật.

Thực tế cho thấy, ở nhiều địa phương, nhất là những nơi có điều kiện kinh tế xã hôi còn khó khăn, người khuyết tật gặp thách thức không nhỏ trong việc đi lại, học tập. Vì vậy, mức hỗ trợ tiền ăn, chi phí đi lại cần phải được nâng lên để đáp ứng yêu cầu thực tế. Bên cạnh đó, người khuyết tật cũng cần được hỗ trợ để tiếp cận vốn vay ưu đãi đơn giản hơn, bởi họ thường gặp khó khăn trong giao tiếp. Từ đây, việc các địa phương phải nắm rõ, đầy đủ và chính xác số lượng, nhu cầu thực tế của từng nhóm người khuyết tật là yêu cầu cần thiết để xây dựng chính sách hỗ trợ đúng địa chỉ, đúng nhu cầu.

Đề án hỗ trợ người khuyết tật giai đoạn 2012 – 2020 đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020 có 550.000 người khuyết tật được học tập nghề và tạo việc làm. Mặc dù các bộ, ngành và địa phương rất nỗ lực nhưng trong điều kiện còn nhiều khó khăn, mục tiêu này chỉ đạt được 50%.

Mới đây, Chính phủ đã ra quyết định thành lập Ủy ban quốc gia về người khuyết tật, đồng thời thành lập cơ chế điều phối để thực hiện chính sách hỗ trợ người khuyết tật. Đây là quyết tâm chính trị rất cao của Chính phủ trong việc thực hiện hiệu quả các chính sách cho người khuyết tật.

Ông Nguyễn Trọng Đàm - Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam cho biết: “Chúng ta sẽ tiếp tục ra soát lại hệ thống luật pháp, điểm nào, quy định nào còn có điều khoản chưa tương thích với Công ước, chúng ta phải hoàn thiện trước để tạo môi trường pháp lý. Điều thứ 2 là sẽ có chương trình hành động, chính sách cụ thể, mạnh mẽ hơn dành cho người khuyết tật”.

Để tìm hiểu về các chính sách dành cho người khuyết tật, mời quý vị và các bạn theo dõi video dưới đây:

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước