Cuộc chiến Afghanistan và những quyết định khó khăn

Đức Hoàng-Lê Minh-Thứ tư, ngày 02/12/2009 21:44 GMT+7

Mặc dù Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định, đánh bại tổ chức khủng bố Al-Qaeda là vấn đề quan trọng đối với nước Mỹ, và việc tăng thêm quân tới Afghanistan là nhằm đạt được mục tiêu này, song người dân Mỹ lại muốn sớm chấm dứt cuộc chiến tại Afghanistan cũng như sự can dự của Mỹ tại chiến trường này.

Thời gian gần đây, những hình ảnh về cuộc chiến tranh Việt Nam xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện truyền thông Mỹ. Điều này không phải ngẫu nhiên bởi làn sóng phản đối sự can dự của Mỹ tại chiến trường Afghanistan trong dân chúng Mỹ đang ngày càng gia tăng, và nhiều người tin rằng, nước Mỹ đang sa lầy vào một cuộc chiến Việt Nam thứ hai tại Afghainstan.

Ông Daniel Ellsberg, Nguyên trợ lý Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ trong chiến tranh Việt Nam cách đây 40 năm đã tiết lộ tài liệu tối mật của Mỹ trong chiến tranh VN cho báo chí Mỹ nhằm đẩy làn sóng phản chiến càng lên cao. Daniel giờ đây cũng có những nhận xét về cuộc chiến tại Afghanistan bằng cái nhìn từ chiến tranh VN: “Điểm tương đồng cơ bản giữa cuộc chiến tại Afghanistan hiện nay với cuộc chiến Việt Nam là chiến lược can dự với việc áp đặt sự kiểm soát, chính sách và lợi ích của Mỹ thông qua sự hiện diện và tham chiến trên thực tế của quân đội Mỹ tại một quốc gia mà ở đó tinh thần phản đối sự chiếm đóng của quân đội nước ngoài diễn ra rất mạnh mẽ".

Theo Giáo sư Thomas A. Bass - Trường Đại học bang New York, Mỹ, Tác giả cuốn sách về Tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn: "Nhiều người cho rằng cuộc chiến tại Afghanistan hiện nay, ở nhiều khía cạnh, là sự lặp lại của những gì đã diễn ra trong chiến tranh Việt Nam. Đó là cuộc chiến mà Mỹ can dự bằng các giải pháp quân sự, nhưng vấp phải sự phản kháng của các lực lượng vũ trang bản địa mà sau nhiều năm vẫn không ổn định được".

Nhiều phân tích cho rằng, người dân Afghanistan ý thức rõ ràng yếu tố dân tộc độc lập, tự chủ, do đó, cho dù nhiều người không ủng hộ ý thức hệ cũng như không muốn lực lượng Taliban lên nắm quyền, song họ lại thừa nhận vai trò lãnh đạo của Taliban với tư cách là một lực lượng hay thậm chí là một phong trào chống lại sự chiếm đóng của quân đội nước ngoài. Chính yếu tố này khiến chiến lược của Mỹ tại Afghanistan trong 8 năm qua, thậm chí là trong nhiều năm tới nữa cũng sẽ không đem lại hiệu quả.

Ông Daniel Ellsberg: "Tôi cho rằng những nỗ lực của Mỹ nhằm trấn áp sự phản kháng của các lực lượng vũ trang ở Afghanistan sẽ chẳng đem lại hy vọng gì. Bởi vì khi Mỹ càng gia tăng bạo lực, thì các lực lượng đó sẽ càng gia tăng sự phản kháng, thậm chí ngay cả khi Mỹ tiêu diệt được nhiều tay súng đối phương. Cuộc chiến càng khốc liệt thì đối phương sẽ càng gia tăng sức mạnh, cho dù Mỹ có đổ thêm quân tới chiến trường này. Do đó, kết quả trong ngắn hạn sẽ chỉ là cuộc chiến ngày càng đẫm máu hơn".

Nhiều chiến lược gia của Mỹ đã từng cảnh báo, sự thành bại của Mỹ trên chiến trường Afghanistan không phải là tăng thêm bao nhiêu quân, mà phải chú trọng tới đặc tính riêng của khu vực đầy bất ổn này.

Quyết định này của chính quyền tổng thống Obama chắc chắn sẽ tạo ra nhiều ý kiến trái chiều. Ngay thời điểm này có ý kiến cho rằng những quyết định kiểu này sẽ tác động rất lớn đến tương lai của tổng thống Obama trong việc ở lại hay không ở lại nhà trắng nhiệm kỳ 2. Cùng với những khó khăn phải đối mặt trong thời gian tới, dư luận Mỹ cũng đang lo ngại, việc tăng thêm quân đã là khó, nhưng việc Mỹ rút ra khỏi cuộc chiến Afghanistan như thế nào sẽ còn khó hơn gấp nhiều lần đối với chính quyền của Tổng thống Obama.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước