Tối 8/11, cuộc đàm phán cấp Thứ trưởng TPP chính thức đầu tiên trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC được tổ chức từ 19h, kéo dài tới nửa đêm nhưng không đạt được kết quả đáng kể nào.
Ngày 9/11, cuộc đàm phán thứ 2 diễn ra, báo chí được vào phòng họp chỉ 2 phút, sau đó là đàm phán kín kéo xuyên trưa và kết thúc lúc 13h. Các Bộ trưởng bước ra khỏi phòng đàm phán với khuôn mặt khá phấn khởi nhưng vẫn chưa có thống nhất cuối cùng.
Cuộc đàm phán thứ 3 kín hoàn toàn, bất ngờ được triệu tập sau cuộc thứ 2 không lâu và kéo dài từ hơn 19h đến hơn 22h. Các Bộ trưởng bước ra khỏi phòng họp với biểu hiện cảm xúc khác nhau khiến kết quả cuộc họp càng khó đoán định.
23h ngày 9/11, Bộ trưởng Bộ Tái thiết kinh tế Nhật Bản Motegi, bên quyết liệt nhất trong thúc đẩy TPP-11, đã tổ chức họp báo và khẳng định: "Các nước đã đạt thỏa thuận trên nguyên tắc". Nhưng ngay ít phút sau khẳng định này, trên trang Twitter của mình, Bộ trưởng Bộ Thương mại Canada Champagne lại tuyên bố: "Dù có các thông tin nhưng vẫn chưa có thỏa thuận căn bản nào về TPP". Không khí TPP trở nên căng thẳng, "số phận" TPP lại càng trở nên rất khó đoán định.
"Số phận" TPP rất khó đoán bởi có những lúc tưởng chừng như các bên đàm phán đã không kịp đạt được đồng thuận tại APEC năm nay. Không ai biết chính xác có bao nhiêu cuộc gặp riêng đã diễn ra ngoài 8 vòng chính thức cũng như các bên đã nỗ lực ra sao nhưng cuối cùng 11 nước TPP đã đạt được đồng thuận về các yếu tố cốt lõi cho hiệp định.
Một cuộc họp báo chính thức do Việt Nam và Nhật Bản đồng chủ trì đã diễn ra. Tại đây, TPP-11 đã chính thức được đổi tên thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với những nội dung cơ bản và quan trọng được các bên đồng thuận.
Hiệp định CPTPP được các Bộ trưởng khẳng định sẽ vẫn tiếp tục duy trì tiêu chuẩn cao, cân bằng tổng thể và toàn vẹn. CPTPP cũng sẽ đảm bảo lợi ích không chỉ về thương mại, đầu tư mà còn nhiều lợi ích khác.
Việc đạt được thỏa thuận cốt lõi về nguyên tắc có ý nghĩa không chỉ với các nước thành viên mà còn khẳng định thêm vai trò dẫn dắt của Việt Nam tại APEC. CPTPP cũng cho thấy Việt Nam đang ngày càng đóng vai trò thúc đẩy để đạt được các thoả thuận tự do thương mại đa phương.
Nhật báo Phố Wall cũng đánh giá: Một trong những điểm thành công của APEC Việt Nam 2017 chính là thỏa thuận đạt được đối với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đồng thời cho rằng thỏa thuận này là thắng lợi cho các quốc gia ủng hộ thương mại đa phương trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng tại nhiều nơi trên thế giới.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.