Đẩy mạnh tuyên truyền bệnh tay chân miệng

Ngọc Anh-Thứ hai, ngày 21/11/2011 10:00 GMT+7

Trong một cuộc họp do Bộ Y tế tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền toàn xã hội về cách phòng ngừa bệnh tay chân miệng.

Ngày 20/11, phát biểu tại hội nghị “Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tay chân miệng” do Bộ Y tế tổ chức, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền toàn xã hội về cách phòng ngừa bệnh tay chân miệng (TCM), trong đó làm rõ 4 nội dung chính: trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ mắc bệnh TCM cao nhất; bệnh TCM lây trực tiếp qua đường tiêu hóa cần phải ăn sạch, ở sạch, vệ sinh đồ dùng sạch sẽ; bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu vì vậy, biện pháp duy nhất là phòng ngừa; khí hậu thay đổi nóng ẩm nhiều tăng nguy cơ mắc bệnh. Đây là những nội dung rất quan trọng cần được phổ biến đến từng người dân, giúp phòng ngừa bệnh TCM một cách hiệu quả nhất.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, từ đây đến hết tháng 12, từng hộ gia đình có trẻ dưới 5 tuổi cần được phát xà phòng diệt khuẩn và thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền các bậc phụ huynh rửa tay bằng xà phòng sạch sẽ, đặc biệt chú ý đến vệ sinh tại nơi sinh hoạt của trẻ để phòng chống bệnh TCM. Đồng thời, trên cơ sở các bài học điều trị bệnh TCM ở các bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, cần có quy trình hướng dẫn phòng bệnh ở các bệnh viện tuyến tỉnh, cấp huyện một cách tối ưu.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng và nhận định, tuy bệnh TCM đã có xu hướng giảm, nhưng từng hộ dân có trẻ dưới 5 tuổi vẫn phải tích cực quan tâm đến việc giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, nhất là rửa tay cho trẻ từ 5 - 7 lần trong ngày. Sắp tới, Cục Quản lý khám chữa bệnh sẽ xây dựng 3 trung tâm huấn luyện điều trị theo mô hình của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) như đối với dịch tả và sốt xuất huyết trước đây tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2, Bệnh viện Nhiệt Đới TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhiệt Đới Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương. Đồng thời, ngành y tế các địa phương cần tham mưu với UBND các tỉnh, thành hỗ trợ kinh phí trang bị thiết bị y tế như máy thở, bơm kim tiêm tự động… để chữa bệnh cho trẻ.
Đánh giá về thực trạng bệnh TCM tại Việt Nam cũng như trên thế giới, Tiến sĩ Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Trưởng Tiểu ban giám sát, chống dịch, cho biết, bệnh TCM đang diễn biến phức tạp tại một số nước trên thế giới như Singapore với 15.254 trường hợp mắc bệnh, tỷ lệ mắc/100.000 dân là 324,5. Nhật Bản có 317.461 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tỷ lệ mắc/100.000 dân là 251. Việt Nam hiện ghi nhận 90.189 trường hợp mắc TCM, trong đó đã có 153 trường hợp tử vong, tỷ lệ mắc/100.000 dân là 100,8. Hiện 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ mắc/100.000 dân cao nhất là: Quảng Ngãi, Đồng Tháp, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bến Tre, Hòa Bình, Tây Ninh, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Kon Tum. 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ chết/ mắc cao nhất là: Ninh Thuận, Bạc Liêu, Thừa Thiên – Huế, Hậu Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bình Định, Lâm Đồng, Cà Mau.
PGS. TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám, chữa bệnh, nhận xét, hướng dẫn chẩn đoán điều trị bệnh tay chân miệng năm 2011 đã phát huy hiệu quả. Tỷ lệ tử vong/ca mắc đã giảm từ 0,29% còn 0,17%. Tuy nhiên, hiện vẫn còn những khó khăn trong công tác điều trị như tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trung ương; một số bệnh viện có khả năng thực hiện về hồi sức nhi khoa nhưng thiếu máy, trang thiết bị y tế, ô tô vận chuyển cấp cứu…

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước