Đề án phát triển nhiên liệu sinh học nhiều lần trì hoãn

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 17/10/2017 15:49 GMT+7

VTV.vn - Từ tháng 1/2018, xăng RON 92 sẽ chính thức được thay thế bằng xăng có pha chế phụ gia sinh học E5 RON 92.

Như vậy, trên thị trường chỉ còn hai loại xăng là E5 RON 92 và RON 95. Theo các chuyên gia, cần giải quyết các bất cập về giá, lộ trình này mới thành công. Các dấu mốc của lộ trình thực hiện xăng sinh học được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2014 đến nay:

Ngày 1/12/2014, xăng E5 đã sử dụng bắt buộc thay thế cho nhiên liệu truyền thống trên các phương tiện cơ giới đường bộ tại 7 tỉnh, thành phố lớn: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ngày 1/12/2015, theo chỉ đạo của Chính phủ, 50% số cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên 8 tỉnh, thành phố lớn gồm: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Quảng Nam và Bà Rịa - Vũng Tàu phải thực hiện đồng loạt bán xăng sinh học E5. Tuy nhiên, chỉ có Quảng Ngãi triển khai đến 100% số cửa hàng bán xăng E5.

Ngày 1/6/2016 Chính phủ yêu cầu 8 tỉnh, thành phố lớn này phấn đấu đạt 100% số lượng cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại địa phương bán xăng E5. Tuy nhiên kế hoạch này lại trễ hẹn.

Cuối năm 2016, một kế hoạch khác được đưa ra là xăng E5 thay thế hoàn toàn xăng RON 92 vào khoảng tháng 6/2017 nhưng một lần nữa kế hoạch này lại trễ hẹn. Bộ Công Thương đề xuất lùi đến 1/2018. Và kể từ đầu năm 2018, Chính phủ chỉ cho phép sản xuất kinh doanh xăng E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95.

Trong lộ trình sử dụng xăng sinh học, đã bị trễ hẹn 2 lần. Sáng ngày 17/10, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo "Sử dụng nhiên liệu sinh học - Giải pháp phát triển bền vững".

Việt Nam được đánh giá có điều kiện thuận lợi để sản xuất nhiên liệu sinh học. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định 177 phê duyệt đề án phát triển nhiên liệu sinh học, trong đó có 3 loại cây chính là sắn, mía và cây cọc rào Jatropha. Các vùng nguyên liệu chính được quy hoạch tại Trung du miền núi phía Bắc, duyên hải Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Hiện, Việt Nam có 4 nhà máy sản xuất, trong đó hai nhà máy tại Đồng Nai và Quảng Nam của Công ty Tùng Lâm đang hoạt động với tổng công suất 200.000 m3 ethanol/năm đủ để phối trộn 3,9 triệu m3 xăng sinh học E5/năm. Hai nhà máy còn lại là Dung Quất và Bình Phước đang tạm dừng sản xuất và tích cực chuẩn bị để khởi động trở lại, dự kiến sớm nhất vào cuối năm 2017 sẽ cung ứng cho thị trường khoảng 200.000 m3 xăng sinh học E5.

Bộ Công Thương sẽ phối hợp Bộ Tài chính đưa ra chính sách về thuế, phí… với xăng sinh học nhằm tạo chênh lệch giá hợp lý, đủ khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xăng E5.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước