Dịch lợn tai xanh lan ra 12 tỉnh, thành

Phương Lan-Thứ ba, ngày 04/05/2010 15:24 GMT+7

Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), đến ngày 3/5, dịch lợn tai xanh xuất hiện ở 131 xã, phường tại 25 huyện thuộc 12 tỉnh, thành trong cả nước.

Tại Hải Dương, Thái Bình, Thái Nguyên, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Nam, Nam Định, Hà Nam, Lạng Sơn và Nghệ An hiện có gần 40.000 lợn mắc bệnh, trong đó 16.000 con đã chết phải tiêu hủy.

Đáng lo ngại là tình trạng vận chuyển lợn bệnh vẫn diễn ra, nguyên nhân chính làm dịch lây lan nhanh là do tư thương thu gom lợn ở các tỉnh, vận chuyển qua vùng có dịch. Đặc biệt, tại các tỉnh đang có dịch, người dân bán, giết mổ lợn ốm, vận chuyển từ các tỉnh phía Bắc vào các tỉnh miền Trung, miền Nam để tiêu thụ. Trước diễn biến và mức độ lây lan nghiêm trọng của dịch lợn tai xanh, Cục Thú y vừa có Công văn số 657, gửi các cơ quan thú y địa phương, kiểm soát nghiêm ngặt vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn.

Theo đó, các chủ hàng trước khi vận chuyển lợn đi tiêu thụ, lợn phải được tập trung tại các điểm thu gom đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh thú y và được khử trùng tiêu độc hàng ngày. Công văn trên cũng nghiêm cấm cơ quan thú y cấp giấy chứng nhận kiểm dịch khống, hoặc cấp giấy chứng nhận cho chủ hàng khi không trực tiếp kiểm tra, không rõ nguồn gốc và mục đích sử dụng, giấy chứng nhận kiểm dịch phải được ghi cụ thể địa điểm nơi đến... Chi cục trưởng Chi cục Thú y phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cho chủ hàng, để xảy ra hiện tượng vận chuyển lợn ốm qua các trạm, chốt kiểm dịch động vật nội địa.

4 bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn

Trong vài tuần gần đây, bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp nghi nhiễm liên cầu khuẩn nhập viện, trung bình 1-2 ca mỗi ngày. Đáng chú ý là, đã có 4 bệnh nhân được xác định nhiễm liên cầu khuẩn ở heo, trong đó 3 người bị viêm màng não và 1 người bị nhiễm trùng huyết. Tất cả trường hợp nghi ngờ hay nhiễm căn bệnh này mà bệnh viện đang điều trị, đều có tiếp xúc với heo bệnh, hoặc ăn tiết canh, lòng lợn, thịt lợn chưa được nấu chín kỹ.

Đáng lưu ý, bệnh nhân khi bị nhiễm liên cầu khuẩn ở lợn thường có triệu chứng sốt, đau đầu, buồn nôn, rối loạn tri giác, hôn mê hoặc bị tổn thương nhiều cơ quan. Nếu không phát hiện và điều trị sớm thì bệnh nhân sẽ bị viêm màng não hoặc nhiễm trùng huyết, có thể để lại di chứng, khó điều trị hoặc gây tử vong.

Một số chuyên gia dịch tễ cho biết, bệnh liên cầu khuẩn xảy ra quanh năm, nhưng vào mùa dịch tai xanh thì số lượng lợn bị bệnh liên cầu nhiều hơn, nên số người mắc căn bệnh này cũng tăng cao. Hiện vẫn còn tình trạng người dân chạy bán lợn ốm, lợn dịch.

Trước tình trạng này, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân tuyệt đối không ăn tiết canh, gỏi, thịt lợn chưa được nấu chín, khi mua thịt phải rõ nguồn gốc, có dấu kiểm dịch rõ ràng, những người giết mổ, hay đi tiêu hủy lợn bệnh cần đeo khẩu trang, găng tay cẩn thận.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước