Hà Nội: Nhiều cổ vật đình Mai Phúc bị lấy cắp

Việt Hùng-Thứ tư, ngày 07/12/2011 07:00 GMT+7

Đêm 27/11 vừa qua, kẻ gian đã phá khóa hai lớp cửa Đình Mai Phúc, phường Phúc Đồng, quận Long Biên, Hà Nội vào cấm cung lấy đi nhiều cổ vật có giá trị. Đình Mai Phúc là ngôi đình cổ được xây dựng từ đời Lê cách đây hơn 500 năm.

Tượng phật, lư hương, đài nến... bằng đồng ở một số di tích dễ bị kẻ gian trộm cắp nếu không được trông giữ cẩn trọng. Ảnh: Dân trí

Trong số cổ vật bị lấy cắp, đặc biệt phải kể đến đôi chân đèn bằng gốm đời nhà Mạc năm 1582 và 2 chiếc áo hoàng bào, một lư hương và một chóe đựng nước đời Nguyễn. Tất cả đều là những hiện vật quý giá nhất của ngôi đình cổ này.
Ông Ngô Huy Chức, Trưởng Ban quản lý di tích Đình Mai Phúc cho biết: “Theo lệ thường thì vào lúc 5h30, cụ từ ra đình mở cửa để thắp hương. Mỗi ngày cụ ra 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều. Hôm đó, cụ phát hiện kẻ gian đã phá khóa cửa vào trong đình lấy cắp cổ vật. Được tin báo tôi đã rất bàng hoàng vì từ xưa đến nay, chưa bao giờ xảy ra hiện tượng mất cắp đồ thờ tự như vậy”.
Là một ngôi đình cổ, nên cổ vật quý hiếm được lưu giữ trong đình Mai Phúc khá nhiều và đã được thống kê vào cuốn niên giám cổ vật quận Long Biên, trong đó quý giá nhất là đôi chân đèn bằng gốm có từ đời nhà Mạc, một cuốn thần phả bằng đồng và một số hiện vật đồng khác đời Nguyễn. Tất cả đều trông chờ vào sự trông nom của ông thủ từ đã ở tuổi thất thập.
Sau vụ mất trộm cổ vật vào cuối tháng 11 vừa qua, hiện nay đình Mai Phúc vẫn còn lại những hiện vật quý như cuốn thần phả bằng đồng, đôi lư hương đời Nguyễn và 28 đạo sắc phong qua các triều đại. Hiện tại, những hiện vật có thể di dời được thì đã di dời sang địa điểm khác để cất giữ, còn những hiện vật không thể di dời như đôi lư hương thì Ban quản lý di tích chỉ còn biết khóa chặt cửa và hy vọng những đối tượng trộm cắp cổ vật sẽ không quay trở lại.

Với hàng triệu cổ vật vẫn đang được lưu giữ tại các đình, đền, chùa hiện nay trên địa bàn cả nước, rõ ràng ngoài việc tuyên truyền, giáo dục cho người dân hiểu được những giá trị văn hóa lịch sử của chúng, thì việc tập huấn các biện pháp an ninh để các Ban quản lý di tích có thể chủ động phòng chống trộm cắp cổ vật là điều thực sự cần thiết. Bởi thực tế, các Ban quản lý di tích với vài cán bộ về hưu khó mà bảo vệ được hiện vật quý trước những thủ đoạn của các đối tượng trộm cắp.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước