Hướng đến một xã hội học tập suốt đời

Kim Hải-Thứ hai, ngày 03/10/2011 11:00 GMT+7

Hôm qua (2/10), Lễ phát động Tuần lễ Hưởng ứng học tập suốt đời đã được tổ chức tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Đây là sự kiện lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.

Đông đảo các cơ quan và người dân Hà Nội tham dự lễ phát động buổi lễ. Ảnh: Dantri

Hôm qua, Lễ phát động Tuần lễ Hưởng ứng học tập suốt đời đã được tổ chức tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Đây là sự kiện lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.

Sự kiện này do Ban chỉ đạo Quốc gia xây dựng xã hội học tập, Bộ GD-ĐT, Bộ VH-TT-DL, Hội khuyến học Việt Nam phối hợp với LHQ tại Việt Nam thực hiện nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của việc học tập không ngừng đối với sự phát triển của mỗi cá nhân và sự phát triển chung của đất nước, và cũng là dịp để các nhà quản lý và các chuyên gia giáo dục chia sẻ những nghiên cứu về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Phát biểu tại lễ phát động, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khẳng định: Học tập suốt đời là giải pháp mang tính thời đại của mọi nền giáo dục trên thế giới. Nó phù hợp với yêu cầu thích ứng của lao động với một thế giới biến động nhanh chóng, khó lường dưới tác động của toàn cầu hóa, kinh tế tri thức và cách mạng công nghệ thông tin. Nhưng việc học tập suốt đời không thể chỉ dừng lại ở sự cổ súy, nó cần được xây dựng trên một nền tảng vững chắc, mang đến cho người dân những điều kiện cơ bản để họ học được, dù họ ở trình độ hay độ tuổi nào. Chẳng hạn như trang bị phương pháp tư duy, năng lực sáng tạo, năng lực làm việc nhóm, năng lực phân tích, tổng hợp thông tin để người học có thể chủ động tự học và tiếp thu tri thức trong suốt cuộc đời. Điều này không thể đạt được nếu chúng ta duy trì mô hình giáo dục hiện nay.
Bà Kathrine Muller Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cũng cho rằng: Học tập suốt đời sẽ là nền tảng cho việc cải cách giáo dục. Cải cách đó không chỉ bắt đầu trong khuôn khổ mỗi nhà trường, mà phải làm thế nào để cho các trường không chỉ là nơi học tập của học sinh, mà còn là môi trường mở để những người dân hoặc cộng đồng dân cư xung quanh cũng có cơ hội học tập. Chẳng hạn, có thể tổ chức những hoạt động vào dịp cuối tuần để người dân quan tâm đến nghe, xem, hoặc người dân có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, chia sẻ kiến thức với các em học sinh. Mấu chốt là chúng ta cần cải cách cơ cấu hệ thống giáo dục theo hướng học tập suốt đời, với các loại hình giáo dục đa dạng.
Để có mô hình xã hội học tập như nhiều nước hiện nay đang áp dụng, Việt Nam cần phải đổi mới cả cơ cấu hệ thống giáo dục, chương trình, cách đào tạo giáo viên, lẫn cơ chế tài chính giáo dục và công tác quản lý. Theo đề xuất của một số chuyên gia trong lĩnh vực này, với hệ thống học suốt đời, có thể xây dựng 3 phân hệ: Giáo dục chính quy, giáo dục không chính quy và giáo dục phi chính quy. Trong đó, giáo dục chính quy là giáo dục hướng tới văn bằng. Giáo dục không chính quy được thực hiện có chủ đích như học tại nơi làm việc, học thông qua các lớp tập huấn. Giáo dục phi chính quy là hoạt động tự phát của mỗi người như đọc sách, xem triển lãm, thăm bảo tàng. Ba phân hệ này phải được coi trọng ngang nhau và phải có cách để liên thông với nhau, giúp kết quả học tập của người học không chính quy hoặc phi chính quy, nếu đạt, có thể được chấp nhận để bước vào giáo dục chính quy. Điều này đang được Bộ Giáo dục tìm hiểu, nghiên cứu.
Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất: “Chúng ta có thể thiết kế nội dung kiến thức để có thể liên thông từ hình thức học tập này sang hình thức học tập khác. Chúng ta cũng có thể vận dụng những hệ thống chứng chỉ, bằng cấp. Làm thế nào có thể công nhận cái kết quả đã học tập trước đây, và sử dụng kết quả học tập đó trong việc học tập tiếp theo”.
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều người, đi kèm với sự thay đổi trong giáo dục, các thiết chế giáo dục ngoài nhà trường như hệ thống bảo tàng, triển lãm, thư viện cũng cần phải được cải thiện để giúp người dân có thể tự học, tự tích lũy kiến thức. Bởi vì dù giáo dục có trang bị cho con người năng lực tốt đến đâu, mà điều kiện sách vở, thiết bị, phương tiện tiếp cận tri thức nghèo nàn, lạc hậu, thì khó lòng đạt đến một xã hội học tập suốt đời dành cho mọi đối tượng người dân, ở mọi vùng miền khác nhau.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước