Thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa, một đơn vị vừa được mở rộng trên cơ sở sáp nhập với đơn vị hành chính khác. Sau sáp nhập, diện tích ở đây đã tăng 7 lần và dân số thì gấp 3 lần so với trước.
Ông Lê Viết Chí - Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND của thị trấn cho biết, sau sáp nhập, khối lượng công việc tăng thêm nhưng xác định việc tốt hay dở ở địa phương mình đều phải là người chịu trách nhiệm chính, vì thế mà việc nào ông cũng phải xắn tay tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện sao cho hiệu quả.
Khi Bí thư đồng thời là Chủ tịch, khoảng cách từ chủ trương đến hành động đã được ngắn lại. Hiện Thanh Hóa có 22 xã, phường thực hiện mô hình này, số lượng ít hơn của hơn 10 năm trước. Và không phải ở đâu cũng thực hiện thành công.
Phú Thọ trước có 8 xã, phường đã triển khai, nhưng đến nay chỉ còn 1; Bạc Liêu có 11 xã, giờ chỉ còn 5. Hay như Hà Tĩnh có 16 xã, nay chỉ còn 2 xã duy trì. Nguyên nhân là do năng lực cán bộ hạn chế.
Khi Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND, bộ máy được tinh gọn, không còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Nhưng nếu không chọn được cán bộ đủ năng lực gánh cả hai vai, kiêm nhiệm là điều khó thực hiện.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!