Khi ngừng kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do…

Mạnh Hùng - Tuyết Mai-Thứ năm, ngày 10/03/2011 10:18 GMT+7

Một trong những nội dung được rất nhiều người quan tâm trong nghị quyết số 11 của Chính phủ là việc quản lý chặt chẽ đối với thị trường vàng trong nước, đặc biệt là đối với hoạt động kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do, để ngăn chặn hiệu quả các hành vi đầu cơ - làm giá - buôn lậu vàng qua biên giới…

Lập lại quản lý chặt chẽ đối với thị trường vàng vào lúc này là cần thiết, và chủ trương của Nhà nước nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều thành phần trong xã hội. Việc triển khai Nghị quyết của Chính phủ sẽ cần lộ trình cụ thể, và từ giờ đến lúc đó, việc nhìn nhận các vấn đề có thể phát sinh, và xây dựng các phương án giải quyết hợp lý, hiệu quả cần được đặt ra không chỉ đối với các cơ quan quản lý chức năng, mà cần thiết ngay cả đối với các doanh nghiệp, với từng người dân…

Tâm lý tích trữ vàng- rào cản?

Cũng như nhiều người đã nghỉ hưu, bà Nguyễn Thị Tỏ, quận Cầu Giấy cứ dành dụm được ít tiền nào là bà lại tính đến việc mua vàng tích trữ. Ít thì một vài chỉ, nhiều thì vài cây. Và như bà nói là để “phòng những lúc trái gió trở trời”: “Tôi đã có tuổi rồi, tiết kiệm được chút ít, có ít vàng nó cũng yên tâm hơn. Vàng lên xuống thì nó vẫn là chỉ vàng thôi”.

Vàng, một kênh đầu tư, một công cụ thanh toán, và vàng cũng là một khoản tiết kiệm truyền thống của đại đa số người dân Việt Nam. Thế nên thói quen cất trữ vàng đã có từ nhiều đời nay. Theo tính toán, mới có con số, hiện có 400 tấn vàng đang được găm giữ trong dân. Đó là lý do khiến cho ngay khi dự định cấm kinh doanh vàng miếng được đưa ra, nhiều người đã băn khoăn cho rằng, hoàn toàn không dễ để thay đổi thói quen “thâm căn cố đế” tích trữ vàng của người dân. Có chăng người ta sẽ chỉ chuyển từ hình thức tích trữ này sang hình thức tích trữ khác.

Một miếng vàng sẽ chuyển thành 10 chiếc nhẫn. Bà Tỏ nhẩm tính như thế khi đang nghĩ đến một ngày việc trao đổi mua bán vàng miếng trên thị trường tự do có thể bị ngừng lại. Bà vẫn quyết định giữ lại vàng cho tuổi già, như một thứ “của để dành” truyền thống của nhiều người dân Việt… Nhưng có thể sẽ là những chiếc nhẫn vàng thay vì vàng miếng.

Có hạn chế được nhập lậu vàng?

Một khối vàng được nung chẩy, sau đó vàng miếng được tạo khuôn, dập nhãn hiệu, đóng bao niêm phong và được đưa ra thị trường. Người mua thông qua đó có thể nhận biết, vàng có xuất xứ từ công ty nào.Và các công ty kinh doanh vàng cũng qua đó có cơ sở nhận biết sản phẩm của mình khi thu mua lại.

Tuy nhiên, với quy trình này sẽ không ít người đặt câu hỏi: Ai sẽ phân biệt được những thỏi vàng được nung chảy này trước khi dập nhãn là vàng nhập lậu hay vàng nhập khẩu chính thức. Chỉ những đơn vị kinh doanh vàng mới là người biết rõ nhất, việc này. Ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch hiệp hội kinh doanh Vàng cho biết: “Thật ra vàng nhập lậu và vàng nhập khẩu rất khó phân biệt, vì khi về VN nó đều là vàng”.

Vàng cũng có nhiều loại, chất lượng cao và thấp. Nhập lậu hay không, cũng chỉ các công ty kinh doanh vàng biết. Đó là lý do vì sao, các cửa hàng, thường chỉ thu mua vàng do mình bán ra và không mua hoặc mua với giá rất rẻ đối với vàng của công ty hay các cửa hàng vàng khác.

Có vẻ như các doanh nghiệp đang cố tình tạo ra một quy trình khép kín, vàng mình mình bán, vàng mình mình mua. Nhiều người đặt câu hỏi, liệu có tình trạng vàng nhập lậu có được tiêu thụ tại chính những công ty sản xuất vàng lớn?.. Bởi lợi nhuận từ việc nhập lậu vàng, và mua vàng nhập lậu là không nhỏ. Ước tính cứ 1 kg vàng được mang qua biên giới người nhập lậu đã có 25 triệu đồng.

Và những giải pháp

Mặc dù những người như bà Tỏ cho biết, bà sẽ chuyển sang tích trữ vàng nữ trang thay vì vàng miếng. Song bà cũng băn khoăn không biết rằng nếu việc ngừng kinh doanh vàng miếng chính thức được thực hiện thì những miếng vàng của mình có dễ dàng bán được hay không. Tuy nhiên, trong cuộc họp mới đây, Ngân hàng nhà nước cũng khẳng định sẽ không làm tổn thương tới loại tài sản mà nhiều người dân đã quen sở hữu lâu nay là vàng miếng, và rằng ngay cả khi đã lên một lộ trình dài hơi cho việc cấm kinh doanh mặt hàng này, NHNN vẫn sẽ cam kết đảm bảo tính thanh khoản khi người dân có nhu cầu chuyển vàng miếng đang sở hữu thành tiền mặt.

Ông Nguyễn Văn Giầu, Thống đốc NHNN: “Đây là tài sản của bà con, tài sản xã hội, mục tiêu là làm thế nào giải phóng tài sản này trở thành vốn vào sản xuất, tạo ra của cải vật chất là yêu cầu của chính phủ, không làm tổn thương tài sản này… Có nhiều phương thức, kể cả phương thức ngân hàng nhà nước phải mua vào, mua phải sát với thị trường thế giới, ví dụ vàng 1.430 USD/ounce thì ngân hàng nhà nước cũng phải mua vào để tăng dự trữ”.

Về vấn đề kiểm soát nhập lậu vàng miếng từ nước ngoài, Ngân hàng nhà nước cũng cho hay, thực tế thời gian qua cho thấy, vàng miếng ở VN thường bắt nguồn từ việc các doanh nghiệp nhập vàng khối về rồi cắt ra để bán. Hình thức mà NHNN quản lý chỉ là cấp quota nhập khẩu cho các đầu mối và gần như không kiểm soát được vàng miếng nhập lậu từ nước ngoài vào. Chính vì vậy mà các phương án quản lý khác đang được tính đến. Ông Nguyễn văn Giầu, Thống đốc NHNN: “Sẽ tính đến việc nhập khẩu sau đó phân phối ra thị truờng, chọn một vài doanh nghiệp và ngân hàng để làm công việc này”.

Đồng thời với việc tiến tới ngừng kinh doanh mặt hàng vàng miếng thì NHNN cũng đang tiến hành sửa đổi, bổ sung lại các văn bản pháp quy về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngoại hối, ngân hàng. Đồng thời các biện pháp mạnh như tịch thu tài sản khi phát hiện trường hợp nhập lậu hay kinh doanh bất hợp pháp vàng miếng cũng đang được tính tới để chủ trương xóa bỏ kinh doanh vàng miếng có thể đạt được hiệu quả như mong muốn.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước