Khủng hoảng kinh tế châu Âu: Khó tìm lối thoát

Úy Thương-Thứ sáu, ngày 04/01/2013 15:30 GMT+7

Theo Phóng viên Hồng Quang, đại diện Thường trú Đài THVN tại Bỉ, áp lực chính trị tại mỗi quốc gia đã khiến các nhà lãnh đạo châu Âu chậm trễ trong việc giải quyết khủng hoảng trong khu vực.

PV: Anh là người theo dõi hầu hết các hội nghị của châu Âu trong năm 2012, chứng kiến những tranh cãi gay gắt của họ trong việc tìm ra tiếng nói chung cho vấn đề này: Tăng trưởng hay thắt lưng buộc bụng? Cho tới nay, vấn đề này vẫn còn đang gây tranh cãi. Đằng sau những tranh cãi này là gì?

PV Hồng Quang: Thực ra tới lúc này, câu hỏi về tăng trưởng hay thắt lưng buộc bụng không còn được đặt ra gay gắt như hồi đầu năm nữa. Chính sách chung hiện nay là kích thích tăng trưởng đồng thời cắt giảm chi tiêu. Cuộc tranh luận hiện nay, chỉ là liều lượng kích thích tăng trưởng ra sao và cắt giảm chi tiêu đến mức nào.

Lãnh đạo các quốc gia châu Âu đã tranh cãi căng thẳng trong suốt các hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong năm 2012 tại Bruxelles. Mọi năm họ chỉ họp có 2 - 3 lần, năm vừa qua họp tới 7 cuộc, đủ thấy là châu Âu cũng rất nóng lòng muốn tìm ra lời giải cho khủng hoảng kinh tế tại đây.

Theo dõi mỗi hội nghị đó, tôi có cảm giác mọi chuyện đang diễn tiến rất chậm chạp. Thế nhưng bây giờ nhìn lại cả năm qua, kết quả cũng có nhiều điểm tích cực. Châu Âu tiến chậm nhưng rất chắc trên con đường dần dần thoát ra khỏi khủng hoảng. Họ đã giải quyết được vấn đề Hy Lạp, đã cứu được đồng Euro và bắt đầu kiểm soát hoạt động của tất cả các ngân hàng ở châu Âu.

PV: Khủng hoảng kinh tế diễn ra đã vài năm, nhưng đến nay châu Âu vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng. Vậy tại sao trong ngần ấy thời gian, các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn chưa thể đưa ra những chính sách quyết đoán để vực dậy nền kinh tế?

PV Hồng Quang: Tôi cho là ai cũng muốn giải quyết nhanh những vấn đề nảy sinh, nhưng áp lực chính trị không cho phép họ làm như vậy. Mỗi tổng thống hay thủ tướng tham gia các hội nghị thượng đỉnh tại Bruxelles đều phải cân đối giữa rất nhiều yếu tố, nhất là phải cân bằng giữa áp lực từ bên ngoài và sức ép của người dân trong nước.

Ví dụ như tại Bruxelles, tất cả đã nhất trí là mỗi nước không được để nợ công vượt quá 3% tổng thu nhập quốc nội. Nhưng để tôn trọng ngưỡng 3% này một số nước phải cắt giảm cả đầu tư cho phúc lợi xã hội. Mà người châu Âu lại rất nhạy cảm với chuyện này. Nếu cắt giảm thu nhập và phúc lợi thì sẽ gây xáo trộn xã hội lớn. Đấy là chưa kể, nếu như ở Bruxelles mà nhân nhượng nhiều quá thì khi về nước, người dân thấy bất bình quay sang bỏ phiếu cho đảng khác, thì sẽ không còn dịp để mà tới Hội nghị thượng đỉnh lần sau nữa… Vậy nên mỗi lãnh đạo quốc gia đều phải cân nhắc kỹ, không thể quyết nhanh được.

PV: Với người dân châu Âu, cuộc khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng tới họ ra sao? Cuộc sống của họ có gì thay đổi trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay? Mối bận tâm của họ về kinh tế thể hiện như thế nào?

PV Hồng Quang: Mối bận tâm thường trực là mất việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp ở châu Âu lên mức khá cao - khoảng 12%, dĩ nhiên là mức độ ảnh hưởng tới mỗi nước khác nhau.

Ở các nước như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Italia, thất nghiệp có nơi lên tới 23%, đặc biệt là tỷ lệ thanh niên không có việc rất cao. Ở các nước giàu hơn như Hà Lan, Bỉ, Đức, Pháp,... tỷ lệ thất nghiệp ít hơn, nhưng vẫn đè nặng lên tâm lý mọi người. Năm nay người Bỉ cũng bị sốc về vụ một nhà máy xe hơi của Mỹ đóng cửa, làm cho hơn 10.000 người mất việc.

Để giải quyết nạn thất nghiệp thì cuối cùng vẫn là kích thích tăng trưởng kinh tế, có tăng trưởng doanh nghiệp mới tuyển thêm người và người lao động mới có tiền để mua sắm góp phần thúc đẩy kinh tế. Đây là bài toán khó nhất của châu Âu hiện nay, vì thất nghiệp không chỉ là chuyện kinh tế, mà còn là nguồn gốc của vô số các vấn đề xã hội.

PV: Xin cảm ơn anh!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước