Làm rõ tiêu cực trong bổ nhiệm cán bộ tại Bình Định

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 11/03/2017 21:07 GMT+7

Ông Nguyễn Văn Cảnh.

VTV.vn - Nghiên cứu quá trình phát triển của ông Nguyễn Văn Cảnh, nhiều người cho rằng cách mà tỉnh ủy Bình Định tạo điều kiện cho ông Cảnh là không bình thường.

Liên quan đến việc ông Nguyễn Văn Cảnh được cho thôi chức vụ Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, vì lý do cá nhân, cùng với sự thăng tiến nhanh đặc biệt cũng như việc đột ngột xin thôi chức là những dấu hiệu rất rõ ràng về một sự ưu ái không đúng quy định của cấp ủy Bình Định nhiệm kỳ 2010 - 2015 trong công tác tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.

Theo ông Tô Tử Thanh, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, là người từng quyết định nhiều vấn đề liên quan đến công tác cán bộ, nhưng ông chưa thấy có một trường hợp được thăng tiến nhanh như ông Nguyễn Văn Cảnh.

Tháng 4/2013, từ một chủ doanh nghiệp tư nhân, ông Cảnh được đặc cách tuyển dụng không qua thi tuyển vào làm tại văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định.

Đến tháng 7/2013, ông Cảnh được đề bạt Phó chánh Văn phòng, và tiếp tục chưa đầy một tháng sau được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng cơ quan này - một chức vụ tương đương giám đốc sở trực thuộc tỉnh, hưởng lương trách nhiệm hệ số 0,9. Đây là bước đệm quan trọng để ông Cảnh được điều động và bổ nhiệm làm Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội hơn 1 năm sau đó.

Điều đáng nói, để tạo điều kiện cho ông Cảnh thăng tiến, tỉnh ủy Bình Định đã cùng một lúc vừa làm thủ tục bổ sung quy hoạch, vừa ra chủ trương thống nhất bổ nhiệm. Một cách làm được cho là không đúng với quy định hiện tại về công tác cán bộ.

"Từ ngoài biên chế vào biên chế rồi bổ nhiệm. Đây là hiện tượng đặc biệt cho nên tôi mới dùng câu là hiện tượng thánh gióng trong công tác cán bộ chưa hề xảy ra ở tỉnh nhà. Đây là việc sai cho nên tôi đã có góp ý cho tập thể Thường vụ nhưng các đồng chí trả lời tôi không đầy đủ và không thấy khuyết điểm" - ông Tô Tử Thanh, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, cho biết.

"Nếu được quy hoạch lần đầu thì phải đủ 4 bước, nhưng nếu rà soát bổ sung thì chỉ thực hiện 1 bước. Ở một số nơi phát sinh tình trạng khi rà soát bổ sung thì đơn giản, khi làm lần đầu thì khó khăn nên có xu hướng một số cán bộ vì mục đích cá nhân, họ chậm lại để làm rà soát bổ sung nhẹ nhàng hơn" - ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương, cho biết.

Nghiên cứu quá trình phát triển của ông Cảnh, nhiều người cho rằng cách mà tỉnh ủy Bình Định tạo điều kiện cho ông Cảnh là không bình thường. Bởi chỉ có gần 6 tháng, chưa thể có được một đánh giá đầy đủ về người cán bộ để ra quyết định bổ nhiệm.

"Tôi thấy con người ta phấn đấu trưởng thành phải có quá trình, quá trình để chứng minh được với cơ quan tổ chức với đồng nghiệp là mình xứng đáng. Còn nếu bổ nhiệm quá nhanh làm cho đồng nghiệp của mình sửng sốt và phải có thử thách trong công việc để khẳng định được người đó là tốt hay không tốt, có năng lực hay không có năng lực" - ông Lê Như Tiến, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, cho biết.

Hiện tại, Ban Thường vụ tỉnh ủy Bình định đang chuẩn bị một đợt kiểm điểm về những thiếu sót khuyết điểm trong công tác cán bộ theo yêu cầu của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Tin tưởng với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nhìn thẳng vào những mặt tồn tại để vươn lên, những nghi vấn liên quan đến quá trình bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Cảnh sẽ được làm rõ trong đợt kiểm điểm này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước