Luật Thanh niên: "Lặp lại ít nhất 25 lần từ 'tạo điều kiện', mà chưa biết tạo điều kiện thế nào?"

Thùy An-Thứ năm, ngày 21/11/2019 17:35 GMT+7

VTV.vn - Đã có rất nhiều ý kiến đóng góp từ các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) vào chiều nay (21/11).

Lặp lại ít nhất 25 lần từ "tạo điều kiện", 20 lần từ "hỗ trợ", 5 lần từ "khuyến khích"

"Tôi cho rằng luật Thanh niên cần đạt được 2 mục đích. Thứ nhất là luật này nhằm đề ra các chính sách để chăm lo, đào tạo bồi dưỡng thanh niên. Thứ 2 thông qua luật này, thanh niên hiểu mình được hỗ trợ cũng như tạo điều kiện những gì để phát triển. Đồng thời phải làm gì, làm như thế nào để đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", đại biểu Triệu Thanh Dung (đoàn Cao Bằng) phát biểu.

Đại biểu Dung cho biết bà đồng ý với ý kiến của nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo luật mang nặng tính tuyên truyền, hiệu triệu hô hào.

Luật Thanh niên: Lặp lại ít nhất 25 lần từ tạo điều kiện, mà chưa biết tạo điều kiện thế nào? - Ảnh 1.

Đại biểu Triệu Thanh Dung (đoàn Cao Bằng)

"Các chính sách đưa ra trong dự thảo luật chung chung, cách diễn đạt các chính sách lặp lại ít nhất 25 lần từ "tạo điều kiện", 20 lần từ "hỗ trợ", 5 lần từ "khuyến khích" nhưng không rõ tạo điều kiện như thế nào, hỗ trợ cái gì, khuyến khích ra sao. Tổ chức cá nhân cụ thể nào tạo điều kiện, hỗ trợ, khuyến khích. Và nếu không tạo điều kiện, hỗ trợ thì có chế tài gì không?", đại biểu đoàn Cao Bằng nhấn mạnh.

Theo bà Dung, tính quy phạm của dự thảo luật không cao, nên tính khả thi, tác động của luật vào đời sống xã hội nói chung và đời sống thanh niên sẽ rất hạn chế.

Cũng đồng ý với quan điểm này, đại biểu Mai Thị Kim Nhung (đoàn Quảng Trị) cũng cho rằng về chính sách của Nhà nước đối với thanh niên được nêu trong dự thảo Luật còn chung chung, mang tính khẩu hiệu, định hướng và mang tính liệt kê các chính sách trong từng lĩnh vực. 

Điều này dẫn tới sự chồng chéo, trùng lắp, mâu thuẫn, vừa thừa vừa thiếu so với các luật chuyên ngành.

Độ tuổi tối đa của thanh niên là 30 hay 35 tuổi?

Ngoài các chính sách đối với thanh niên, một nội dung cũng được rất nhiều ý kiến tranh luận, đó là nên quy định độ tuổi tối đa của thanh niên là 35 hay 30 tuổi?

Luật Thanh niên: Lặp lại ít nhất 25 lần từ tạo điều kiện, mà chưa biết tạo điều kiện thế nào? - Ảnh 2.

Chiều nay (21/11), Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi)

Đại biểu Triệu Thanh Dung (đoàn Cao Bằng) đã đưa ra 3 căn cứ từ đó cho rằng nên nâng độ tuổi tối đa của thanh niên là 35 tuổi.

Thứ nhất theo bà Dung, cùng với điều kiện kinh tế ngày càng phát triển nên đời sống vật chất, tinh thần ngày một nâng cao. Từ đó sự năng động sáng tạo, nhiệt huyết của tuổi trẻ được duy trì dài hơn. Thực tế nhiều người bước qua tuổi thanh niên nhưng suy nghĩ, sáng tạo, ý chí, nhiệt huyết... vẫn như thanh niên.

"Mặt khác Quốc hội vừa thông qua Luật Lao động, trong đó có quy định nâng tuổi nghỉ hưu, vì vậy kéo dài thêm tuổi thanh niên phù hợp với điều kiện thực tế", bà Dung cho biết.

Thứ hai theo đại biểu đoàn Cao Bằng, cùng với xu thế già hóa dân số, tỷ lệ sinh giảm, tỷ lệ thanh niên cũng giảm dần. Đặc biệt là thanh niên trong khối cán bộ, công chức, viên chức đang giảm nhanh trong những năm qua vì việc tinh giảm biên chế, sáp nhập các cơ quan phường xã..., hạn chế việc tuyển dụng mới. Nên không có nguồn bổ sung đoàn viên thanh niên cho khối này.

"Nếu độ tuổi tối đa của thanh niên là 30 tuổi thì số lượng đoàn viên sẽ rất ít, thậm chí không đủ số lượng để thành lập chi đoàn, phải sinh hoạt ghép với các cơ quan, tổ chức khác, ảnh hưởng đến hoạt động của khối này. Từ đó tác động đến chất lượng của tổ chức đoàn".

Cuối cùng, bà Dung đưa ra căn cứ là nhiều quốc gia hiện đang quy định đổ tuổi thanh niên  tối đa từ 35 - 40 tuổi. Ví dụ Singapore từ 15 - 35 tuổi, Brunei 15 - 40 tuổi...

Tuy nhiên theo quan điểm ngược lại, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, quy định về độ tuổi thanh niên từ đủ 16 đến 30 tuổi như trong dự thảo luật là hợp lý.

Luật Thanh niên: Lặp lại ít nhất 25 lần từ tạo điều kiện, mà chưa biết tạo điều kiện thế nào? - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương)

Theo bà Nga, quy định độ tuổi của thanh niên còn liên quan đến việc Nhà nước tập trung nguồn lực hỗ trợ thúc đẩy phát triển thanh niên như ban hành các chính sách về giáo dục, đào tạo nghề, kỹ năng...

"Trên thực tế, học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông là 18 tuổi. Ở độ tuổi đó, thanh niên bắt đầu đi làm, khởi nghiệp hoặc học cao đẳng, đại học hoặc học nghề thì độ tuổi trung bình từ 21 - 23 tuổi. Đến 30 tuổi, thanh niên đã tốt nghiệp và bắt đầu đi làm. Do đó, các chính sách hỗ trợ phát triển cho thanh niên không nên kéo dài đến 35 tuổi, khi thanh niên đã đi làm trên 10 năm", bà Nga phân tích.

2 phương án về độ tuổi thanh niên trong dự án Luật Thanh niên (sửa đổi):

- Một số ý kiến nhất trí với việc quy định độ tuổi thanh niên là từ đủ 16 đến 30 tuổi.

- Một số ý kiến lại cho rằng nên quy định độ tuổi thanh niên là từ đủ 16 đến 35 tuổi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước