Một người nước ngoài mang tâm hồn Việt

Tấn Quýnh-Thứ bảy, ngày 27/03/2010 14:58 GMT+7

Nhiều người nước ngoài đã chọn Việt Nam là quê hương thứ hai của mình, trong họ đã mang một tâm hồn Việt, luôn có những tình cảm sâu đậm đối với người Việt Nam. Có thể thấy điều ấy qua câu chuyện của một tiến sỹ từ đất nước Thuỵ Sỹ, mỗi lần về Việt Nam cũng là hành trình tìm đến những số phận không may mắn để sẻ chia - một việc làm theo đạo lý thương người như thể thương thân của người Việt Nam.

Chỉ còn vài ngày nữa, tiến sỹ Peter Schmutz sẽ về Thuỵ Sỹ. Mọi công việc được Peter thực hiện gấp gáp trong sự nuối tiếc một tháng ở Việt Nam trôi đi quá nhanh. Hầu như lúc nào ông cũng tìm mọi cách để đến với những con người đang gặp những hoàn cảnh khó khăn

Những học sinh hiểu điều đó và họ cố giúp ông, cung cấp cho ông một danh sách ghi rõ địa chỉ , mô tả hoàn cảnh sống của những con người có số phận không may mắn... Danh sách này giúp ông tìm đến một cách nhanh nhất những gia đình đang gặp khó khăn. Ngay từ lần đầu tiên đến Việt Nam, Tiến sỹ Peter đã chọn cho mình cách để hiểu hơn cuộc sống ở Việt Nam- đó là sẻ chia với nỗi đau của những người bất hạnh.

Tiến sỹ Peter Schmutz, Hội viên danh dự Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam: “Lần đầu tiên đến Việt Nam, tôi đi từ Hà Nội đến thành phố Hồ Chí Minh và đã chứng kiến nhiều trường hợp gia đình không có nơi ở, ăn uống thiếu thốn, họ bị bệnh vì nhiều lý do nguồn nước bị ô nhiễm, vì chất độc chiến tranh. Ngay lập tức tôi muốn làm một cái gì đó để giúp họ”.

Người đồng hành với Peter trong những lần tìm đến những con người kém may mắn chính là vợ của ông- quê hương ở tỉnh Phú Yên. Ba năm, 9 lần về Việt Nam, dù những lần về chỉ khoảng 1 tháng nhưng vợ chồng Peter Schmutz đã không lãng phí thời gian. Họ đã có mặt ngay tại những ngôi làng xa xôi. Ở đó có những con người mang di chứng chất độc da cam vật vã với nỗi đau bệnh tật, ở đó có những gia đình bưon chải kiếm sống mà vẫn chật vật từng bữa ăn.

Gia đình anh Huỳnh Tấn Tạo ở xã Hoà An, huyện Phú Hoà, tỉnh Phú Yên là một trường hợp như thế. Hai vợ chồng đều bị bệnh vẫn cố làm việc để nuôi con. 3 đứa con thì một bị chết đuối năm ngoái, một bị bệnh tim từ nhỏ. Số tiền Peter gởi tặng gia đình anh Tạo với hy vọng những đứa trẻ trong gia đình sẽ tiếp tục được đến trường.

Tiến sỹ Peter Schmutz: “Nếu chỉ giúp một lần sẽ không giải quyết được gì. Vì vậy, tôi tìm cách bảo trợ trẻ em từ khi các em bắt đầu đi học đến khi các em vào đại học. Có như thế, các em mới có tương lai, giúp được gia đình các em cũng như bản thân các em”.

Peter rất tin tưởng những kế hoạch mới của mình sẽ tạo được sinh kế bền vững cho các gia đình khó khăn. Những bức ảnh chụp các trường hợp không may mắn sẽ luôn ở bên Peter, nhắc Peter tiếp tục tìm kiếm những cộng sự chung tay trợ giúp những hoàn cảnh khó khăn ở quê hương thứ hai cuả mình.

Những ngày ở Việt Nam, Peter tìm thấy hạnh phúc thật sự khi mang lại niềm vui cho người khác. Và chẳng biết từ khi nào, một đạo lý ở người Việt Nam giờ đã là bài học cụôc sống của Peter: hãy thương người như thể thương thân.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước