Mỳ Chũ tiêu thụ mạnh

Thế Dương-Thứ năm, ngày 10/02/2011 10:00 GMT+7

Do sớm đăng ký xây dựng thương hiệu và cam kết đảm bảo vệ sinh thực phẩm, vụ Tết vừa qua, làng nghề truyền thống sản xuất bánh tráng (Mỳ Chũ, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) đã cung cấp cho thị trường hàng chục tấn bánh tráng mỗi ngày.

Năm nay, mỳ Chũ Bắc Giang vừa tiêu thụ dễ, vừa được giá nên bà con ai cũng phấn khởi. Dự kiến, sức tiêu thụ mỳ Chũ sau Tết còn mạnh hơn, nhất là khi người dân đã ý thức được việc xây dựng thương hiệu riêng cho làng nghề.

Theo quy định, trên vỏ bao bì của sản phẩm mỳ Chũ trước khi đưa ra thị trường, ngoài việc đăng ký mã số - mã vạch, các hộ sản xuất phải ghi rõ, ngày tháng sản xuất, thời hạn sử dụng. Khi khách hàng có ý kiến góp ý về chất lượng sản phẩm, trên bao bì đều có số điện thoại của hộ sản xuất và cả Hiệp hội mỳ Chũ.

Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội mỳ Chũ Bắc Giang làng nghề Nam Dương cho biết: “Mỳ Chũ tiêu thụ rất tốt bởi từ khi có thương hiệu, nên sản xuất đến đâu hết đến đó, hiện tại cho đến thời điểm này, chúng tôi không sản xuất đủ lượng mỳ cung cấp cho thị trường”.

Dịp Tết vừa qua, do nhu cầu thị trường tăng nhanh, gia đình anh Nam đã phải đầu tư thêm 1 dây chuyền tráng bánh công nghiệp. Cũng vì thế mà trung bình mỗi ngày, gia đình anh sản xuất được 2 tấn mỳ, sản lượng tăng gấp đôi so với Tết năm ngoái. Giá mỗi cân mỳ trước Tết bán tại nhà là 32-35.000đ, nhưng sau Tết đã lên 40.000đ/kg. Mỗi gia đình sản xuất mỳ đều phải làm cam kết đảm bảo chất lượng bánh, chủng loại gạo, nguồn nước... cũng như làm cam kết đảm bảo tuân thủ nghiêm các quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm với Hiệp hội Mỳ Chũ.

Hiện cả tỉnh Bắc Giang có hàng chục làng nghề truyền thống, sản phẩm chủ yếu vẫn là hàng nông - lâm sản và tiêu dùng. Ngoài việc vận động hội viên nông dân đăng ký chất lượng sản phẩm, Hội Nông dân tỉnh cũng có nhiều giải pháp hỗ trợ làng nghề nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua các công trình vệ sinh môi trường và đăng ký bảo vệ thương hiệu.

Bà Nguyễn Thị Khuê, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) khẳng định: “Đăng ký thương hiệu cho các làng nghề là nhiệm vụ chung của tất cả các ban ngành, do đó vai trò của Hội là huy động mọi gia đình cùng tham gia xây dựng môi trường làng nghề trong sạch như hệ thống nước sạch, hệ thống dẫn nước xử lý nước thải...”

Giáp Tết, giá mỳ Chũ tăng nhẹ khoảng 15% so với năm ngoái. Ra Tết, người dân làng nghề đã bắt tay ngay vào sản xuất vì sức mua của thị trường vẫn tăng và giá vẫn giữ ở mức cao như trong Tết. Mỳ Chũ năm vừa qua không chỉ tiêu thụ trong nước, mà đã có thị trường xuất khẩu sang Thái Lan và Campuchia. Trong dịp Tết Tân Mão, có những ngày cao điểm xuất ra thị trường trong và ngoài nước 40-50 tấn mỳ. Nắm bắt được nhu cầu thị trường, đảm bảo chất lượng và VSATTP... đã giúp những người dân xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang từng bước làm giàu bằng những bó mỳ truyền thống.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước