Thủ tướng: Bộ Ngoại giao phải là người dũng cảm chống trì trệ - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Đây là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với 1.200 cán bộ, nhân viên của Bộ Ngoại giao trong sáng nay (26/2), khi Thủ tướng tới thăm và chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại của năm nay.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là lãnh đạo Đảng, Nhà nước đầu tiên tới thăm trụ sở mới của Bộ Ngoại giao ở Mỹ Đình, hiện đã hoàn thành 1 trong 3 giai đoạn và đã có 11 trong 40 đơn vị của Bộ chuyển về đây làm việc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định những thành công về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và đối ngoại của năm 2017, trong đó thông qua chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước đã tạo nên niềm tin và khí thế mới trong nhân dân. Vì thế, Thủ tướng đã chuyển khí thế và niềm tin ấy trong nhân dân và của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới cán bộ và nhân viên Bộ ngoại giao. Đồng thời khẳng định khi Đảng và nhân dân có niềm tin mãnh liệt vào mình thì phải có khát khao cháy bỏng để hành động quyết liệt hơn. Trước đông đảo cán bộ và nhân viên ngoại giao, Thủ tướng đã đưa ra dẫn chứng các Thứ trưởng của Bộ khi làm việc với Thủ tướng đều có những tổng hợp, phân tích sắc xảo đồng thời đề xuất phương hướng xử lý thông minh, sát thực tiễn. Điển hình như tại các hội nghị APEC trong năm qua, rất nhiều vấn đề phức tạp đã được giải quyết từ các hội nghị quan chức cấp cao và cấp Bộ trưởng.
Thủ tướng cho rằng, thành tích của Bộ Ngoại giao lớn nhưng cũng cần nói đến cả hạn chế để rút kinh nghiệm. Đó là mặc dù Việt Nam tham các hội nghị ASEAN rất thành công, nhưng nhận thức về ASEAN thì vẫn chưa lan tỏa đến người dân và doanh nghiệp. Một số cán bộ và nhân viên ngoại giao ở nước ngoài còn lo việc nhà, lo cho con đi học hơn là lo việc nước. Từ đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ kiến tạo phát triển thì Bộ Ngoại giao cần thực hiện chức năng ngoại giao kiến tạo phát triển. Bởi những cản trở, trì trệ luôn có ở một đất nước, một tổ chức, một cơ quan, cho nên phải có những người dũng cảm để chống trì trệ, chống vô tổ chức, chống xuống cấp của tổ chức, cơ quan. Vì thế, Bộ Ngoại giao phải là người dũng cảm đó trong một Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Mỗi đại sứ, cán bộ, nhân viên ngoại giao ở nước ngoài cần thực sự là những sứ giả về kinh tế, chứ không ngồi chờ, không thụ động mà phải chủ động giúp doanh nghiệp. Trước hết, Bộ cần chọn những chuyên đề để báo cáo Thủ tướng về những xu hướng của thị trường chứng khoán, vấn đề Biển Đông, vấn đề tiền ảo, vấn đề xu hướng tiêu dùng để Chính phủ soi rọi và tháo gỡ chính sách trong nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định các nước, các khu vực, nhất là các cường quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam rất quan trọng. Vì thế, Bộ Ngoại giao phải thực hiện tốt chủ trương Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế để cố gắng xây dựng niềm tin và sự tin cậy lớn hơn nữa. Đối với vấn đề Biển Đông, cần kiên trì thúc đẩy việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, chủ động dự báo, xử lý linh hoạt mọi tình huống, không được để Việt Nam rơi vào thế bị động, đối đầu.
Thủ tướng đề nghị Bộ Ngoại giao cần nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số đánh giá hiệu quả công tác đối ngoại. Thủ tướng cho biết một ngân hàng thương mại quốc tế đưa ra công thức 6:3:2, tức là một nhân viên tín dụng mỗi ngày phải gọi điện thoại cho 6 khách hàng, gặp 3 người và ký 2 hợp đồng, từ đó, Thủ tướng đặt vấn đề, bộ chỉ số đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của một tham tán thương mại, một đại sứ, một cục trưởng, vụ trưởng, một chuyên viên ở Bộ Ngoại giao là như thế nào. Nếu làm tốt việc này, Bộ Ngoại giao sẽ là một trong những cơ quan đi đầu trong việc thực hiện thông điệp của Chính phủ của năm nay là "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả". Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết tới đây, Thường trực Chính phủ sẽ bàn giải pháp về vốn cho công trình trụ sở Bộ Ngoại giao hiện đang xây dựng dở dang do thiếu vốn, đồng thời yêu cầu sau khi hoàn tất ít nhất 3/4 cán bộ, nhân viên của Bộ phải làm việc ở đây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!