Người khuyết tật và cơ hội hòa nhập cộng đồng

Nguyễn Ngân-Thứ hai, ngày 18/04/2011 10:17 GMT+7

Theo thống kê của Bộ LĐ - TB và XH, cả nước có hơn 5 triệu người khuyết tật, chiếm khoảng 6,34% dân số. Hầu hết những người khuyết tật khi được hỏi đều cho rằng: họ có tự tin hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống hay không là nhờ sự cảm thông, sẻ chia của toàn xã hội.

Hình minh hoạ

Nhà kề nhau, ngày nào, ông Kỉ và ông Uôm cũng cùng nhau làm mọi việc. Một người minh mẫn nhưng mất đi đôi chân, một người còn đôi chân thì không hoàn toàn tỉnh táo. Đồng cảnh, rồi nương tựa vào nhau. Mọi việc vì thế mà dễ dàng hơn.

Ông Nguyễn Văn Kỷ, thôn Bút Sơn, Thanh Sơn, Kim Bảng, Hà Nam cho biết: “Ông ý cũng hoàn cảnh như tôi. Thỉnh thoảng ông ấy đến, không thì tôi lại sang nhà ông ấy. Người nhặt rau, người bới thóc ở trong gạo, nấu cơm...”.

Ngôi nhà nhỏ đơn sơ của gia đình ông Kỷ nay ấm áp bởi sự gắn bó của hơn 20 người khuyết tật. Chuyện làng trên xóm dưới, chuyện nhà hàng xóm mới mua cái ti vi mới, hay cả câu chuyện vui về những sơ suất vì sự đãng trí của mình... Họ đã quên đi những thiệt thòi của bản thân để sống. Người lành đôi mắt thì đưa con chữ đến cho người sáng đôi tai.

Ông Đỗ Mạnh Xuyên, thôn Bút Sơn, Thanh Sơn, Kim Bảng, Hà Nam: “Mắt tôi kém rồi, giờ đọc là thành 2 dòng đấy, nhưng vẫn cố gắng. Đi làm với người ta, nay người ta bảo là đuổi ông này về, mai người ta lại bảo đuổi ông này đi. Tôi về nhà mò cua bắt ốc ...Cứ đến với nhau uống với nhau chén nước trắng cũng đã vui lắm rồi”.

Rất nhiều người khuyết tật về định cư ở xã này chỉ đơn giản là họ thấy dễ sống. Hiện, hàng năm có gần 1 triệu người khuyết tật được trợ cấp từ ngân sách Nhà nước; hàng trăm nghìn lượt người được hỗ trợ chỉnh hình, phục hồi chức năng, được cung cấp phương tiện trợ giúp đi lại. Tuy các chính sách của Đảng, Nhà nước về chăm sóc người khuyết tật đã được luật hóa, nhưng trên thực tế, vẫn còn rất nhiều rào cản để họ hòa nhập cộng đồng.

Ông Nguyễn Xuân Lập, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội, Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội: “Người khuyết tật bị hạn chế về sức khỏe khi tham gia với cộng đồng. Mặc dù chính sách và luật thì có rồi nhưng khi triển khai thì lại còn rất nhiều khoảng cách. Ví dụ như tiếp cận công trình giao thông, ví dụ như bậc lên xuống nếu không làm lối đi cho người khuyết tật đi bằng xe lăn thì họ không đi được...rồi cầu thang máy. Điều cần làm bây giờ là các cơ quan phải cụ thể hóa luật vào đời sống, cộng đồng xã hội nhìn nhận người khuyết tật như người bình thường bình đằng trong xã hội...”.

Những nỗ lực hòa nhập của cộng đồng người khuyết tật luôn cần xã hội trân trọng. Sau một tuần trà, dăm bảy câu chuyện với những người bạn, ông Kỷ đã sửa xong chiếc đồng hồ. Và nó sẽ lại tiếp tục sứ mệnh điểm thời gian. Để rồi, mỗi ngày trôi qua lại là một ngày có ý nghĩa hơn với những con người này. Bởi họ biết và muốn mình vẫn là người có ích cho xã hội.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước