Nguy cơ đánh mất thương hiệu quốc gia

Lê Hương-Thứ hai, ngày 11/07/2011 15:20 GMT+7

Trong khi thị trường chứng khoán Việt Nam ảm đảm, giá nhiều cổ phiếu hiện phổ biến ở mức từ 10-20 nghìn đồng, thì mới đây, một đối tác nước ngoài đã chào mua cổ phần của một DN chưa niêm yết với mức giá lên tới 213.600 đồng/cổ phần.

Đây được xem là một mức giá cao khó tưởng tượng trong bối cảnh hiện nay. Câu hỏi hiện được nhiều người đặt ra là, điều gì ẩn chứa đằng sau giá mua cao ngất ngưởng này. Đó là sự hấp dẫn của chính doanh nghiệp hay nguy cơ mất đi một thương hiệu đã có thời gian tồn tại tới cả trăm năm?

Tồn tại đã hơn 100 năm từ thời Pháp thuộc, sản phẩm rượu Halico đã được nhiều người Việt Nam ưa chuộng, chúng được bày bán khắp nơi: Siêu thị, chợ cóc, trên cả các sạp hàng bán đồ cúng lễ... Loại sản phẩm này chiếm lĩnh tới gần 90% thị phần bình dân tại Việt Nam.

Ông Hồ Văn Lập, một người dân cho rằng: “Đây là một thương hiệu của người Việt Nam, được làm từ các nguyên liệu đậm chất Việt Nam như nếp cái hoa vàng...”

Chiếm lĩnh gần như toàn bộ thị trường rượu bình dân là thế mạnh của Halico. Và đây cũng là điều mà các hãng rượu ngoại vào Việt Nam đã lâu nhưng chưa thể làm được.

Tập đoàn đồ uống Diego, chủ sở hữu các thương hiệu rượu nổi tiếng như Johnnie Walker, Baileys chào mua hơn 1 triệu cổ phần của Halico với giá cao khó tưởng tượng 213.600 đồng để nâng tỷ lệ sở hữu tại DN lên 30%.

Ban lãnh đạo và cán bộ nhân viên của Halico rất tự hào về việc cổ phần của họ được chào mua cao gấp hàng chục lần giá nhiều cổ phiếu trên sàn niêm yết. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc bán được thương hiệu nổi tiếng với giá cao không hẳn là điều đáng mừng.

Ông Ngô Trọng Thanh, TGĐ Công ty Tư vấn chiến lược Marketing Mancom nhận định: “Mặt trái là chúng ta có thể mất đi một thương hiệu lâu đời, chính phủ không khuyến khích rượu bia, vì vậy các đối tác nước ngoài thông qua việc mua cổ phần của Halico để đẩy dần sản phẩm của họ vào và đặt những bước chân đầu tiên của họ vào một thị trường mà họ đang rất thèm muốn. Ai cũng biết, Việt Nam là thị trường tiêu thụ rượu bia lớn nhất đông Nam Á”.

Cách đây 15 năm, thị truờng kem đánh răng Việt Nam được chiếm lĩnh bởi 2 thương hiệu P/S và Dạ Lan hoàn toàn là của người Việt, nhưng rồi P/S đã được bán cho tập đoàn Unilever với giá 5,3 triệu USD, còn Dạ Lan được bán cho tập đoàn Colgate Pamolive với giá 3 triệu USD.

P/S đến nay vẫn là một thương hiệu lớn, chiếm tới 50% thị phần kem đánh răng trong nước và xuất khẩu đi nhiều nước, nhưng nó đã là thương hiệu của một tập đoàn nước ngoài. Còn Dạ Lan, sau thương vụ mua đó đã bị Golgate Pamolive cho xóa sổ. Giờ 90% thị phần kem đánh răng VN đã thuộc về 2 nhãn hàng này, gần như không còn chỗ cho thương hiệu hàng Việt Nam thuần chất.

Theo ông Ngô Trọng Thanh, TGĐ Công ty Tư vấn chiến lược Marketing Mancom: “Nên nhìn vào những bài học đã có để tận dụng tốt những cơ hội. Thị trường luôn là chiến trường, chúng ta đừng hy vọng 1 đối tác đến đây để làm điều tốt cho chúng ta hay trở thành nhà tài trợ cho chúng ta. Hoàn toàn không có điều đó”.

Trên thế giới đã có nhiều phương thức để thôn tính doanh nghiệp. Bên cạnh lời chào mời về tài chính vô cùng hấp dẫn là một lời nhắn nhủ rằng, nếu không mua được doanh nghiệp thì họ sẵn sàng cho ra đời các sản phẩm cạnh tranh, bán dưới giá thành khiến doanh nghiệp phá sản.

Với một thị trường như Việt Nam khi mà hệ thống pháp luật còn chưa thật đầy đủ, sẽ là cơ hội lớn cho việc thôn tính kiểu này. Những sản phẩm thuần chất mang thương hiệu Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ biến mất hay thuộc sở hữu của các chủ đầu tư nước ngoài, thực sự đang là nỗi lo cho thương hiệu quốc gia Việt.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước