Bác Hồ nói chuyện với các cháu thiếu nhi trong dịp Người về thăm, chúc Tết đồng bào Hà Tĩnh (Xuân Đinh Mùi - 1967). (Ảnh: Tư liệu)
Kể từ bài thơ chúc Tết đầu tiên khi Người trở về nước sau nhiều năm bôn ba tìm đường cứu nước năm 1942 cho đến lúc ra đi, Người đã sáng tác tổng cộng 24 bài thơ chúc Tết. Dễ nhớ, dễ thuộc là điều dễ nhận thấy trong các bài thơ chúc Tết của Bác, nhưng điều khiến cho mỗi bài thơ Tết của Bác trở lên đặc biệt hơn những lời chúc Tết thông thường là bởi đó không chỉ là tấm lòng của Bác với nhân dân, đất nước mà còn là lời hiệu triệu, cổ vũ, động viên và cả sự tiên đoán thần kỳ tiền đồ tươi sáng của cách mạng.
Có một món quà luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh dành tặng đồng bào mình vào mỗi dịp Tết cổ truyền, đó là những bài thơ chúc Tết giản dị nhưng rất đỗi thân thương của Người. Mỗi bài thơ không chỉ là sự tổng kết thành quả của cách mạng trong năm cũ mà còn là chỉ dẫn cho những chặng đường tiếp theo của cách mạng. Bài thơ chúc Tết năm 1969 cũng là bài thơ chúc Tết Người đã tự đọc - món quà cuối cùng cũng lời tiên đoán thần kỳ về con đường giải phóng đất nước trước lúc Người đi xa.
Nghệ sỹ Linh Nhâm, nguyên diễn viên đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị, người từng ngâm thơ Bác xúc động nhớ lại, kỷ niệm lớn nhất trong cuộc đời của bà chính là được ngâm những bài thơ chúc Tết của Bác. Ở vào cái tuổi xưa nay hiếm, người nghệ sỹ gạo cội vẫn không thể giấu được xúc động khi nhớ đến giây phút ngâm bài thơ chúc Tết cuối cùng của Bác trên sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam Tết năm ấy.
"Bài thơ Xuân 1969 của Bác là bài thơ gắn với kỷ niệm rất sâu sắc mà tôi đang biểu diễn ở Hải Phòng được triệu về để ngâm bài thơ cuối cùng của Bác. Tất cả các bài thơ mà tôi đã được ngâm thơ của Bác tôi đều rất trân trọng, từng câu, từng chữ của Bác đều là những hiệu lệnh, những lời kêu gọi của Bác với Tổ quốc", nghệ sỹ Linh Nhâm nói.
Từ bài thơ chúc Tết đầu tiên viết trên chiếc bàn đá ở Hang Pắc Pó (Cao Bằng) cho đến lúc về cõi vĩnh hằng, Người đã viết tổng cộng 24 bài thơ Xuân, thơ chúc Tết. Những bản thảo còn lưu giữ tại bảo tàng Hồ Chí Minh cho thấy, viết mỗi bài thơ Người cũng dày công và kỹ lưỡng như thế nào. Có thể vì thế, những bài thơ chúc Tết của Người luôn vượt qua khuôn khổ những bài thơ chúc Tết đơn thuần.
Bà Nguyễn Thúy Đức, Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh chia sẻ: "Tôi có nhớ câu nói của một nhà cách mạng Cuba về Bác là: Bác Hồ lãnh đạo cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chính bằng thơ. Tiếc thay, kẻ thù của dân tộc Việt Nam lại không đọc những vần thơ đó. Đấy là điều có lẽ rất đặc biệt, đặc biệt chính là lãnh đạo bằng thơ. Nếu như chúng ta phân tích và hiểu thì thấy rằng lãnh đạo bằng thơ không chỉ là chất thép của người chiến sỹ, mà còn là cái gì đó rất đỗi dung dị, nhân văn của một con người, của một dân tộc".
Những mùa xuân kháng chiến của dân tộc dường như luôn có sự khởi đầu bằng những vần thơ chúc Tết của Bác… Thành quả cuối cùng của sự nghiệp giải phóng dân tộc đã không nằm ngoài sự tiên đoán trong bài thơ chúc Tết cuối cùng của Người. Đó là khi Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn!