“Phân làn cưỡng bức lâu dần sẽ quen”

Anh Ngọc - Gia Hiền -Thứ năm, ngày 13/10/2011 07:00 GMT+7

Trong khi dư luận cho rằng trước khi quyết định phân làn cần nghiên cứu kỹ thì Sở GTVT Hà Nội tuyên bố: "Không có cách nào khác là cưỡng bức người tham gia giao thông. Lâu dần sẽ quen!".

Biển báo trên phố Xã Đàn đã vài lần bị xe tông phải. Ảnh: VnE

Tiếp tục câu chuyện phân làn hay không và nên phân làn thế nào, trong buổi gặp gỡ với báo chí hôm 12/10, Sở GTVT Hà Nội khẳng định, việc cắm các biển báo cứng là biện pháp cuối cùng vì trước đây các giải pháp phân làn bằng vạch vôi đều không phát huy tác dụng. Chính vì đây là biện pháp cuối cùng, nên Sở không cần phải tổ chức nghiên cứu trước khi cắm biển.
"Thực ra trước đây việc phân làn Tổ chức Jaica đã từng làm rồi nhưng không thành công. Nguyên nhân là vì ngày đó, biển báo họ treo trên trời và kẻ vạch ở dưới đất. Bây giờ cắm trước mặt thế này, người ta còn không nhìn, thì treo trên trời với vẽ dưới đất sao nhìn được?", ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết. Cũng theo ông Tân: "Tôi khẳng định trong câu chuyện này, chúng tôi là những người thực tế nhất. Không có cách nào khác là cưỡng bức người tham gia giao thông, bắt họ phải đi vào làn của mình. Lâu dần rồi sẽ quen".
Hiệu quả của việc cưỡng bức mà ông Tân nhắc tới thì chưa được chứng minh, nhưng số vụ tai nạn do người dân đâm phải biển báo thì không ngừng gia tăng. Chính một số người làm công tác điều hành giao thông cũng cho rằng, cách thức cắm biển hiện nay là chưa hợp lý.
"Tất cả các phương tiện tham gia giao thông khi đến ngã ba, ngã tư bao giờ trong tiềm thức cũng phải chú ý quan sát. Nhưng lúc người ta đang quan sát tình hình giao thông rồi có tín hiệu đèn bắt đầu tăng tốc, người ta đi thì lại gặp phải những biển phân làn này. Đang đường rộng tự nhiên bị vào làn hẹp, đang tăng tốc thì gặp chướng ngại nên bị đột ngột. Theo tôi việc này phải tính toán lại", trung tá Hoàng Đức Nhân, Tổ trưởng tổ điều tra xử lý tai nạn giao thông, công an Hà Nội đề xuất.
Hà Nội đã từng thực hiện nhiều sáng kiến giao thông không đem lại hiệu quả. Đã từng có thời nhiều ngã tư bị bịt lại, nhưng rồi sau đó lại phải mở ra vì làm gia tăng ùn tắc. Tiến sĩ Khuất Việt Hùng, chủ nhiệm bộ môn Quy hoạch và Quản lý GTVT, trường Đại học GTVT, một chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch giao thông khẳng định, phân làn là chủ trương đúng, nhưng rõ ràng cách thức phân làn chưa được nghiên cứu kỹ.
"Từ trước đến nay, khi chúng ta đưa ra những quyết định trong giao thông, hầu hết đều là nhất thời và cảm tính. Có những giải pháp đúng nhưng vẫn thất bại vì nó thiếu đi sự nghiên cứu, thiếu đi cả một hệ thống bên dưới để hỗ trợ. Đó là điều phải hiểu để mà thông cảm. Nhưng những quyết định đúng mà còn không thành thì đừng nói đến những quyết định sai. Những quyết định sai, những quyết định duy ý chí tất nhiên sẽ không thể thực hiện được và chắc chắn không sớm thì muộn cũng bị đào thải", tiến sĩ Hùng khẳng định.
Thời gian qua, rất nhiều dải phân cách cứng đã bị người đi đường xô đổ để tìm cách thoát khỏi các điểm ùn tắc vào giờ tan tầm. Đây là một mình chứng của việc nếu như pháp luật không nghiêm và người dân không có ý thức chấp hành pháp luật, thì dù cột phân cách có đặt ở đâu, mềm hay hay cứng như thế nào, cũng không thể cưỡng bức được người tham gia giao thông.
Rõ ràng, phân làn cho giao thông Hà Nội là cần thiết, nhưng phân như thế nào và bằng biện pháp gì sẽ vẫn cần những nghiên cứu khoa học và chi tiết hơn nữa.
Tin bài liên quan:

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước