QH làm việc tại tổ: thảo luận dự án Thủy điện Lai Châu và Điện hạt nhân Ninh Thuận

Quốc Thắng-Thứ bảy, ngày 07/11/2009 17:24 GMT+7

Sáng nay (07/11), Quốc hội làm việc theo tổ, thảo luận, cho ý kiến đối với các dự án thủy điện Lai Châu và Điện hạt nhân Ninh Thuận.

Tinh thần chung toát lên trong các cuộc thảo luận này là nhất trí cao về chủ trương phát triển năng lượng thủy điện và điện hạt nhân để phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng phải có những bước chuẩn bị, bước tiến hành hết sức thận trọng.

Cho ý kiến về chủ trương đối với dự án thủy điện Lai Châu và điện hạt nhân Ninh Thuận, các đại biểu Quốc hội đều cho rằng đây là hướng đi đúng và cần thiết về lâu dài. Tất cả các nước phát triển trên thế giới đều phát triển điện hạt nhân và có chiến lược về an ninh năng lượng, trong đó có năng lượng điện. Tuy nhiên, đây là những dự án lớn thì đương nhiên, quá trình thực hiện sẽ liên quan tới nhiều lĩnh vực, tạo ra nhiều ảnh hưởng phái sinh và cũng tiềm ẩn những rủi ro không nhỏ cần được lường trước và có biện pháp phòng ngừa.
Nhiều đại biểu đã nêu những kinh nghiệm lớn từ việc chuẩn bị, triển khai công trình đường dây 500KV, dự án thủy điện Sơn La, nhà máy lọc dầu Dung Quất ... và cho rằng đây là những kinh nghiệm chung của các dự án lớn rất cần được quan tâm.
Các đại biểu cho rằng công trình càng lớn thì càng cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng, trong đó quan trọng là phải nhận biết được những rủi ro có thể. Để làm được như vậy, cần làm tốt công tác phản biện.
Kinh nghiệm chuẩn bị cho dự án thủy điện Sơn La cho thấy, Quốc hội đã không giao cho một Ủy ban duy nhất thẩm tra dự án, mà lập một nhóm gồm nhiều tổ chuyên môn đến từ HĐDT và các Ủy ban. Ví dụ như tổ các vấn đề xã hội thẩm tra, phản biện về công tác di dân, tái định cư. Tổ kinh tế, ngân sách thẩm tra, phản biện về các vấn đề tài chính. Tổ khoa học công nghệ thẩm tra, phản biện về các vấn đề công nghệ, kỹ thuật. Tổ An ninh Quốc phòng thẩm tra, phản biện về an ninh, quốc phòng ... Các tổ này sẽ tổ chức lấy và tổng hợp ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực của mình, tổ chức thẩm tra và từ đó đề ra những khuyến cáo trong quá trình triển khai.
Các đại biểu cho rằng đó là một kinh nghiệm tổ chức tốt, khoa học, thận trọng, có tính phản biện cao. Các đại biểu cho rằng, các dự án thủy điện Lai Châu và Điện hạt nhân Ninh Thuận là các dự án lớn, đòi hỏi công nghệ cao và cũng đòi hỏi có sự hợp tác quốc tế. Vì vậy, nên có cách thẩm tra, phản biện cho chắc chắn. Phản biện để lường hết rủi ro và quan trọng là để có các bước đi chắc chắn, hiệu quả trong việc thực hiện chủ trương chung.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước