Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam 2018:

Quản lý thuế thương mại điện tử: Cần nhưng khó!

K.L-Thứ năm, ngày 15/03/2018 06:34 GMT+7

VTV.vn - Một vấn đề được đưa ra bàn luận trong Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam 2018 được tổ chức ngày 14/3 tại Hà Nội là việc quản lý thuế thương mại điện tử.

Quản lý thuế với thương mại điện tử: Bước ngoặt đầu tiên

20 năm trước, Việt Nam bắt đầu cung cấp dịch vụ Internet công cộng, mở ra gia đoạn hình thành thương mại điện tử. Sau gần một thập kỷ thiếu môi trường pháp lý, thương mại điện tử đã dần hình thành với quy mô rất nhỏ và số lượng người tham gia còn hạn chế.

Năm 2006, Nghị định Thương mại điện tử cùng nhiều nghị định khác hướng dẫn Luật Giao dịch điện tử được ra đời, đánh dấu giai đoạn phổ cập thương mại điện tử kéo dài trong 10 năm từ năm 2006 tới năm 2015. Tới năm 2015, quá trình nói trên đã thu được nhiều thành quả khi đông đảo người dân và doanh nghiệp đã tham gia mua bán và kinh doanh trực tuyến.

Năm 2016, thương mại điện tử Việt Nam bắt đầu chuyển sang giai đoạn ba – giai đoạn thương mại điện tử phát triển nhanh. Trong giai đoạn này, giao dịch trực tuyến đã tăng cao cả về số lượng giao dịch cũng như giá trị giao dịch. Bên cạnh sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử, năm 2017 chứng kiến nhiều vấn đề lớn mà thực tiễn đặt ra đối với các cơ quan quản lý nhà nước.

Nếu như ở các giai đoạn trước, việc thu thuế đối với thương mại điện tử ít có ý nghĩa thực tế thì hiện nay, việc quản lý thuế đối với lĩnh vực kinh doanh này vừa có tác động lớn tới sự phát triển, vừa mang lại nguồn thu không nhỏ về ngân sách.

Tới cuối năm 2017, hai vấn đề nổi bật trong việc quản lý thuế đối với thương mại điện tử là thu thuế đối với các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến xuyên biên giới và các hộ gia đình và cá nhân bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, đặc biệt là từ MXH. Vấn đề thứ nhất là làm sao thu được thuế nhà thầu, vấn đề thứ hai là làm sao xác định được người bán, doanh thu để thu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân.

Chính vì lẽ đó, tháng 11/2017, Bộ Tài chính đã công bố dự thảo Tờ trình Chính phủ về Đề nghị xây dựng Luật quản lý thuế (sửa đổi). Theo đánh giá của Bộ, luật quản lý thuế hiện hành, sau 3 lần sửa đổi bổ sung, vẫn chưa đảm bảo được cơ sở pháp lý cho việc chuyển hẳn sang áp dụng rộng rãi. Do đó, cần thiết phải sửa đổi Luật quản lý thuế hướng tới mục tiêu tạo khung pháp lý để áp dụng phổ biến thuế điện tử.

Những vấn đề cần xem xét kỹ


Quản lý thuế thương mại điện tử: Cần nhưng khó! - Ảnh 1.

Chỉ khi những "nút thắt" thật sự được cởi, việc quản lý thuế thương mại điện tử mới có thể diễn ra hiệu quả. (Ảnh minh họa)

Việc Bộ Tài chính công bố dự thảo Tờ trình Chính phủ về Đề nghị xây dựng Luật quản lý thuế (sửa đổi) là bước khởi đầu quan trọng trong quảnh lý thuế đối với thương mại điện tử. Dự thảo dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 hoặc 1/7/2020. Chính vì lẽ đó, cho tới thời điểm hiện tại, Luật quản lý thuế sửa đổi vẫn còn một số vấn đề cần xem xét kỹ lưỡng để tìm ra hướng giải quyết phù hợp.

Quản lý thuế cần gắn với thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử: Trong báo cáo được Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) công bố mới đây tại Diễn đàn Toàn cảnh về Thương mại điện tử Việt Nam 2018, một trong những trở ngại lớn nhất của thương mại điện tử nước ta là lòng tin của người tiêu dùng vào mua sắm trực tuyến. Việc khuyến khích mọi đối tượng kinh doanh có uy tín bán hàng trực tuyến sẽ góp phần tạo ra nhiều khách hàng hơn và nguồn thu từ thuế chắc chắn sẽ tăng lên. Chính vì lẽ đó, làm thế nào để thuế không phải là tận thua mà ngược lại, thúc đẩy tạo ra nguồn thu lớn từ kinh doanh trực tuyến là vấn đề đang chờ những người làm luật giải quyết.

Quản lý thuế không nên gây trở ngại lớn hơn hiện tại: Rõ ràng, để thúc đẩy tăng trưởng, quản lý thuế đối với thương mại điện tử không nên gây ra những trở ngại mới, nếu không thể làm giảm đi những trở ngại vốn đã tồn tại. Bên cạnh đó, với sự phát triển chóng mặt của thương mại điện tử, cơ quan quản lý thuế không thể thu thuế với loại hình kinh doanh này bằng các giải pháp và công cụ truyền thống được nữa. Trong báo cáo của mình, VECOM nhấn mạnh rằng việc bổ sung vào Luật Quản lý thuế một chương vê giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, bao gồm quy định cơ quan thuế phải xây dựng được "Trung tâm xử lý dữ liệu trong giao dịch điện tử" là một trong những điều kiện cần để có thể tiến hành thu thuế kinh doanh trực tuyến.

Cần thỏa mãn tiêu chí đạt hiệu quả kinh tế cao: Từ vấn đề "điều kiện cần" nêu trên, rõ ràng, chúng ta cần tính toãn kỹ hiệu quả kinh tế - xã hội của việc quản lý thu thuế thương mại điện tử. Chi phí bỏ ra cho hoạt đông thu thuế phải thấp hơn đáng kể so với số thuế thu được, là một trong các tiêu chính quan trọng cần tính tới khi thu thuế thương mại điện tử.

Thu thuế gắn với thanh toán không dùng tiền mặt: Hoạt động mua bán trực tuyến không dùng tiền mặt là điều kiện cần khác đối với quản lý thu thuế thương mại điện tử. Mọi biện pháp hành chính để áp đặt giao dịch không dùng tiền mặt là không khả thi. Việc thanh toán không dùng tiền mặt chỉ có thể đạt được khi cả bên mua lẫn bên bán thấy thuận tiện và hiệu quả hơn khi dùng tiền mặt. Do đó, sự phối hợp liên ngành để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt có ý nghĩa quan trọng đối với cơ quan quản lý thu thuết. Chừng nào tỷ lệ thanh toán khi nhận hàng (COD) còn cao thì việc thu thuế đối với mua bán trực tuyến còn chưa hiệu quả.

Thể hiện lợi ích của thành lập doanh nghiệp so với hộ kinh doanh và cá nhân: Việc quản lý thu thuế đối với các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến, dù mức độ thanh toán trực tuyến chưa cao, song vẫn diễn ra thuận lợi và minh bạch. Cần triển khai các giải pháp để lợi ích của các thương nhân và doanh nghiệp cao hơn rõ rệt so với hộ gia đình hay cá nhân. Khi phần lớn sản phẩm được bán trực tuyến đến từ các doanh nghiệp thì ý nghĩa của việc thu thuế thương mại điện tử đối với loại hình thương nhân là hộ gia đình và cá nhân sẽ giảm đi, từ đó, việc quản lý thu thuế sẽ trở nên thuận tiện hơn.

Việt Nam có tốc độ phát triển thương mại điện tử nhanh so với thế giới Việt Nam có tốc độ phát triển thương mại điện tử nhanh so với thế giới

VTV.vn - Tiếp nối thành công từ 2017, Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam 2018 tiếp tục được tổ chức với sự tham gia của nhiều diễn giả tới từ các tổ chức, công ty lớn.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước