"Quy chế phát ngôn không cản trở hoạt động báo chí"

Kim Dung-Thứ sáu, ngày 22/06/2012 15:00 GMT+7

Đó là ý kiến của ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM. Ông Lê Mạnh Hà từng có hơn 5 năm làm công tác quản lý báo chí tại TP.HCM về quy chế phát ngôn.

Qua phối hợp khảo sát gần 400 người làm báo, đã có gần 88% trong số này xác nhận có sự cản trở tác nghiệp của phóng viên bằng nhiều hình thức như né tránh cung cấp thông tin, gây khó dễ… Theo ông Lê Mạnh Hà, quy chế này đang được hiểu sai đã khiến cho việc tiếp cận thông tin khó khăn.

Theo khảo sát đối với nhiều phóng viên, quy chế phát ngôn cũng có mặt tích cực, nhưng mặt khác cũng gây trở ngại trong tác nghiệp của phóng viên. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Ông Lê Mạnh Hà: Quy chế phát ngôn không gây cản trở trong hoạt động cung cấp thông tin cho báo chí. Nhiều người hiểu quy chế phát ngôn làm cho việc tiếp cận thông tin của báo chí khó khăn hơn vì họ cho rằng quy chế phát ngôn nghĩa là chỉ có một người cung cấp thông tin. Đó là cách hiểu sai. Quy chế phát ngôn là một kênh cung cấp thông tin cho báo chí. Các văn bản đóng dấu không mật, các văn bản chính thức và cán bộ trong lĩnh vực đó đều có thể cung cấp thông tin. Thêm một kênh chính thống nữa là người phát ngôn. Điều này thường sử dụng trong trường hợp bất thường như cháy, nổ, bão lụt hay như vụ Tiên Lãng - khi chưa có kết luận chính thức cần người phát ngôn chính thức để cung cấp thông tin cho báo chí.
Với kiến nghị cụ thể của báo chí, chúng ta có thể điều chỉnh quy chế phát ngôn hoặc giải thích rõ ràng hơn và có yêu cầu cụ thể bằng văn bản để cho người cung cấp thông tin tiếp xúc tốt hơn với báo chí. Bên cạnh đó, có điều rất nhiều người đề xuất mà chưa được là luật tiếp cận thông tin. Báo chí được quyền tiếp cận thông tin mà người cung cấp không có quyền từ chối, mà từ chối như thế chỉ có hại cho mình thôi.
Theo ông, báo chí tại TP.HCM có mặt gì chưa được?
Ông Lê Mạnh Hà: Tất nhiên tôi không nói là tinh thần đấu tranh giảm xuống, cái chống tiêu cực giảm xuống, nhưng rõ ràng số lượng bài có thông tin về điều tra, phát hiện các tiêu cực đang ít đi. Người dân rất mong mỏi chuyện đó, thậm chí các cơ quan chính quyền cũng mong mỏi chuyện đó. Nếu không có sự vào cuộc mạnh mẽ của báo chí, việc đấu tranh chống tham những, tiêu cực, các biểu hiện xấu trong xã hội rất khó thành công cao, thậm chí là không thành công.
Quan trọng nhất của báo chí là tự mình điều tra, phát hiện. Tất nhiên có những hiểm nguy, rủi ro, bất trắc, nhưng nghề báo hay nhất, thú vị nhất là ở chỗ đó. Đó thực sự là sức mạnh của báo chí.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước