Quyền im lặng có được đưa vào luật?

Thái Thanh (Thời sự - thoisuvtv@vtv.vn)-Thứ năm, ngày 25/09/2014 21:53 GMT+7

Nếu một nghi phạm bị bắt, tạm giữ, tạm giam trong khi chưa có luật sư đóng vai trò làm chứng cho lời khai trước cơ quan điều tra thì có quyền được im lặng hay không?

Vấn đề này đang được bàn luận khá nhiều trong thời gian gần đây và đang được đặt ra khi sửa đổi Luật tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi và Bộ luật Tố tụng Hình sự sửa đổi.

Vụ án bốn công an xã dùng nhục hình làm chết nghi can ở Tuy Hòa, Phú Yên, hay ở Đông Anh, Hà Nội và các vụ ép cung, án oan sai gần đây... có thể đã không diễn ra khi các nghi phạm bị triệu tập đến cơ quan điều tra, có quyền im lặng cho đến khi luật sư có mặt; hoặc việc hỏi cung chỉ được diễn ra khi có mặt của luật sư.

Tại buổi làm việc với Liên đoàn luật sư Việt Nam vào tuần trước với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, các luật sư và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đều đề nghị cần bổ sung quyền im lặng của bị can, bị cáo trong Bộ luật Tố tụng Hình sự sửa đổi, để góp phần thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội trong Hiến pháp. Vấn đề này đã được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu ra tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hôm 23/9 vừa qua đối với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Dù Hiến pháp đã quy định nhưng trên thực tế, có đến 80% các vụ án hình sự đang thiếu sự tham gia của luật sư ngay từ đầu. Trong đó, nhiều vụ án chỉ khi có kết luận điều tra, luật sư mới được tham gia vào quá trình tố tụng.

TS. Nguyễn Ngọc Chí, giảng viên bộ môn Bộ luật Tố tụng Hình sự tại Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, hiện Việt Nam là số ít các nước áp dụng mô hình tố tụng thẩm vấn, hay xét hỏi, không áp dụng mô hình tố tụng tranh tụng như phần lớn các nước trên thế giới, nhưng cũng nên từng bước áp dụng mô hình tố tụng tranh tụng.

Nếu quan điểm bị can có quyền im lặng cho đến khi có mặt của luật sư được đưa vào luật thì cũng cần có thời gian, lộ trình để thực hiện. Bởi thực tế hiện nay, theo Liên đoàn luật sư Việt Nam, cả nước mới có trên 8.000 luật sư. Các luật sư mới tham gia được vào khoảng 20% số vụ án hình sự và 6% số vụ án dân sự.

Hiến pháp khẳng định người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Đồng thời, người bị bắt, tạm giữ, khởi tố, điều tra có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa.

Mời quý độc giả theo dõi thông tin chi tiết qua VIDEO sau đây:

 

 

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước