Rác thải sinh hoạt và bài toán "chôn lấp"

Đặng Mai - Mạnh Cường-Chủ nhật, ngày 08/05/2011 12:00 GMT+7

Theo một tính toán mới đây của các đơn vị xử lý môi trường thì đến năm 2015, Hà Nội sẽ không còn chỗ chôn lấp rác. Nguyên nhân chính do hiện nay, rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố mới chủ yếu áp được xử lý bằng biện pháp chôn lấp.

Bãi chứa rác thải ở thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ).

Thực trạng này đang đặt ra cho các nhà quản lý, các đơn vị môi trường đô thị những vấn đề cấp thiết trong việc quy hoạch, áp dụng những công nghệ tiên tiến trong việc xử lý, tái chế rác thải.
Bãi rác Nam Sơn - Sóc Sơn là một trong những bãi rác lớn nhất ở Hà Nội và khu vực miền Bắc, hiện 8/9 ô chôn lấp của bãi rác này đã đầy. Theo tính toán của Xí nghiệp xử lý môi trường Nam Sơn - Sóc Sơn thì đến cuối năm 2012, bãi rác Nam Sơn sẽ không còn khả năng tiếp nhận rác thải của Hà Nội nữa.
Mỗi ngày, Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn tiếp nhận và chôn lấp khoảng 4000 tấn rác thải sinh hoạt, trong tổng số gần 200.000 tấn rác thải sinh hoạt phát sinh mỗi ngày của cả khu vực nội, ngoại thành. 90% lượng rác thải sinh hoạt của thành phố HN không được phân loại từ nguồn được đưa về đây để chôn lấp. Với nhiều loại rác thải sinh hoạt, trong đó có nilon được chôn lấp lẫn lộn, đã gây rất nhiều khó khăn cho đơn vị xử lý rác, khiến cho bãi rác này quá tải nhanh chóng.
Ông Nguyễn Thanh Minh, PGĐ Xí nghiệp Quản lý chất thải Nam Sơn - Sóc Sơn (Hà Nội) cho biết: “Với đà như thế này thì khả năng chôn lấp rất là lớn. Đến mùa mưa, khả năng tiếp nhận rác ở trên cốt cao là rất khó khăn”.
Đối với nhiều khu xử lý rác khác ở ngoại thành HN vẫn chủ yếu sử dụng biện pháp chôn lấp rác thủ công, vấn đề môi trường đang hết sức nan giải.
Khu xử lý rác Núi Thong - Chương Mỹ sau sự cố rò rỉ nước rác cách đây 2 năm, đến nay vẫn phải ngừng hoạt động do người dân chưa ủng hộ. Công ty MTĐT Xuân Mai - đơn vị xử lý rác ở địa bàn đã buộc phải vận chuyển rác đi các địa bàn khác.
Ông Nguyễn Ngọc Oanh, GĐ công ty MTĐT Xuân Mai - Chương Mỹ - Hà Nội cho biết: “Đề xuất với TP và các cơ quan quản lý nhà nước tạo điều kiện để chúng tôi thực hiện thành công dự án khu xử lý chất thải núi Thong theo phương thức xã hội hóa bằng công nghệ chế biến phân vi sinh và đốt các chất thải trơ để tiếp nhận xử lý các chất thải của các xã trên địa bàn”.
Hiện nay, một số công nghệ xử lý rác được xem là tiên tiến đã được áp dụng thí điểm như phân loại rác thải tại nguồn 3R, công nghệ không chôn lấp… Song để triển khai rộng rãi các phương pháp này còn không ít khó khăn. Sau 5 năm, đến nay, dự án 3R mới triển khai thí điểm ở 11 phường của 4 quận HN.
Theo ông Nguyễn Văn Hòa, GĐ, Chủ tịch HĐQT Công ty Môi trường đô thị Hà Nội: “Không những phải tuyên truyền trong dân, mà bản thân các cấp chính quyền cũng cần phải tuyên truyền, tăng cường kiểm tra nhắc nhở, hướng dẫn để Hà Nội sẽ đi đầu trong việc giải quyết vấn đề về môi trường”.
Thực tế từ việc thí điểm mô hình 3R ở Hà Nội đã cho thấy: Rác thải sinh hoạt chỉ được xử lý triệt để với điều kiện phải được phân loại ngay từ nguồn. Cùng với đó là các cơ chế khuyến khích của nhà nước trong việc áp dụng công nghệ tái chế, tái sử dụng rác thải, giảm thiểu tối đa việc chôn lấp, ảnh hưởng đến quỹ đất và ô nhiễm môi trường.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước