Sử dụng tiền đền bù Vedan thế nào?

Phạm Kiên-Thứ sáu, ngày 28/01/2011 09:05 GMT+7

Khoản tiền gần 220 tỷ đồng bồi thường của công ty TNHH Vedan đang được chi trả cấp tập cho hơn 7000 hộ nông dân Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu và huyện Cần Giờ (TP.HCM). Khoản tiền này sẽ được những người nông dân chi tiêu như thế nào?

Hộ ít, hộ nhiều, nhưng nếu tính bình quân, mỗi hộ cũng nhận được chừng 30 triệu, một khoản tiền mặt có thể nói là rất lớn đối với những người nông dân sống bám vào con sông Thị Vải. Khoản tiền này sẽ được những người nông dân chi tiêu như thế nào. Và ngoài việc chia tiền mặt, có cách sử dụng nào hiệu quả hơn không trong việc giúp những người nông dân ổn định cuộc sống lâu dài?.

Bởi lẽ, con sông còn lâu mới hết ô nhiễm, còn Vedan cũng chỉ bồi thường có một lần. Tại một buổi chia tiền, phóng viên VTV đã có cuộc khảo sát trực tiếp, tại chỗ về cách thức chi tiêu của 100 hộ nông dân thuộc huyện Cần Giờ.

Từng cọc tiền mệnh giá lớn, mới tinh được kiểm đếm chậm rãi… và cẩn thận, ai cũng háo hức mong tới lượt mình. Những hộ nuôi tôm ở xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh được chia hơn 4 tỷ, họ thống nhất phương án chia đều. Hơn 40 triệu đồng cho một hộ và được nhận đúng vào dịp trước Tết Nguyên đán có vài ngày. Trong buổi chia tiền, không một ai nghĩ về những ngày thất bát, trong tâm trí của họ, chỉ có hàng chục những khoản chi tiêu đang nhảy múa…

Khảo sát bằng cách phỏng vấn trực tiếp, tại chỗ cho thấy, 100% các hộ nông dân của xã Tam Thôn Hiệp không nhận được bất cứ sự hướng dẫn nào trong việc chi tiêu khoản tiền bồi thường do Vedan chi trả. Về mặt tâm lý, 100% các hộ đều không muốn nhận sự hướng dẫn mà muốn tự quyết định các khoản chi tiêu của mình. 100% các hộ đều muốn nhận được toàn bộ khoản đền bù bằng tiền mặt.

Các phóng viên VTV cũng đã phát phiếu thăm dò về những khoản chi tiêu mà các hộ nông dân có thể thực hiện. Có 10 mục chi tiêu được đưa ra, bao gồm: Mua sắm lương thực thực phẩm và vật dụng cho ngày Tết; Gửi tiết kiệm; Thanh toán các khoản công nợ; Mua sắm phương tiện nuôi trồng, đánh bắt thủy sản; Sửa nhà; Học nghề… Chỉ mất chừng 10 phút, đại diện cho các hộ nông dân đã hoàn thành việc trả lời về những khoản chi tiêu mà họ đang nghĩ tới.

Khoản tiền hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng đến đúng vào dịp Tết Nguyên đán có thể đem lại niềm vui và bất ngờ lớn cho rất nhiều hộ gia đình. Tất nhiên, không ai ngoài họ có thể quyết định cách thức chi tiêu thế nào. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính, nếu có kế hoạch sử dụng một cách khôn khéo ngay từ đầu, thì 220 tỷ đồng có thể phát huy sức mạnh của cả ngàn tỷ. Mục tiêu ổn định lâu dài đời sống của người nông dân có nhiều cơ hội trở thành hiện thực hơn.

VTV sẽ chuyển tới quý vị và các bạn kết quả cụ thể của cuộc khảo sát cũng như những ý kiến của các chuyên gia tài chính trong chuyên mục Kinh tế cuối tuần phát sóng vào lúc 8h30 thứ Bảy ngày 29/1.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước