Thay đổi chiến lược trong kinh doanh cà phê

Duy Ly -Thứ bảy, ngày 17/09/2011 08:00 GMT+7

Từ bài học rút ra ở niên vụ cà phê 2010-2011 để doanh nghiệp nước ngoài chiếm ưu thế, các doanh nghiệp cà phê Việt Nam đã thống nhất cần phải đổi mới phương thức kinh doanh và hợp tác chặt chẽ với nhau mới mong thắng trên sân nhà.

Đây cũng là nội dung được 20 doanh nghiệp cà phê hàng đầu của Việt Nam (G20) rút ra trong cuộc họp gần đây tại TP.HCM nhằm đối phó với tình hình khó khăn của ngành cà phê niên vụ 2011-2012.
Con số thống kê của Công ty Cafecotrol cho thấy, niên vụ cà phê 2010-2011 Việt Nam xuất khẩu được 1.250.000 tấn cà phê, trong đó, tổng lượng xuất khẩu của 20 doanh nghiệp cà phê lớn nhất của Việt Nam là 700.000 tấn, chiếm 56% tổng lượng cà phê xuất khẩu cả nước, trong khi, những năm trước tỷ lệ này vào khoảng 80%.
Hiệp hội cà phê Việt Nam cho biết, sở dĩ có tình trạng này là do doanh nghiệp cà phê nước ngoài đã tìm cách mua trực tiếp từ người trồng cà phê nên doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh được. Hiện các doanh nghiệp cà phê nước ngoài chiếm 50% hệ thống đại lý mua cà phê tại Việt Nam tăng 35% so với năm trước.
Theo Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam, chỉ còn khoảng 1 tháng nữa, Việt Nam sẽ vào vụ thu hoạch cà phê mới và hiện nay nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang tăng cường xây dựng kho chứa, chỉ định các đại lý để mua cà phê trực tiếp từ người dân thay vì mua từ các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trong nước.
Trước tình hình này, các doanh nghiệp cà phê Việt Nam thống nhất là phải thay đổi phương thức kinh doanh, đồng thời các DN sẽ liên kết lại với nhau và lấy mục tiêu cao nhất là bảo toàn vốn và lợi nhuận, dứt khoát không chạy theo số lượng.
Dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2011 – 2012 của cả nước đạt khoảng 1 – 1,2 triệu tấn, giá thu mua dao động mức 45 triệu đồng/tấn. Bắt đầu từ niên vụ 2011-2012 trở đi, các doanh nghiệp Việt Nam thuộc Vicofa cũng sẽ thực hiện chính sách mua tạm trữ tối thiểu 300.000 tấn ngay từ đầu vụ để có lợi cho cả người sản xuất, nhà kinh doanh. Riêng niên vụ 2011-2012 hiện các doanh nghiệp đăng ký tham gia tạm trữ đã đạt con số 425.000 tấn. Đặc biệt là khi hàng đã vào kho thì hàng vẫn được luân chuyển, đảm bảo khi giá lên bán được ngay và giá xuống lại mua vào. Theo các doanh nghiệp, với giải pháp này, dù doanh nghiệp Việt Nam mua giá cao bán giá thấp thì vẫn có thể điều tiết thị trường.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước