Thiếu lao động trầm trọng tại các làng nghề truyền thống

Việt Cường-Thứ bảy, ngày 19/06/2010 15:00 GMT+7

Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, trong thời gian gần đây, số lao động thường xuyên trong các làng nghề giảm tới 35% mỗi năm. Thiếu nhân lực là một trong những trăn trở lớn đối với các doanh nghiệp hiện nay.

Sau một thời gian dài khó khăn do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, hiện nay sản xuất và xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ tại nhiều làng nghề đã có dấu hiệu hồi phục. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều nơi đã bắt đầu gặp phải những khó khăn mới, đó là vấn đề nhân lực.

Ngày thường, tại một xưởng sản xuất đồ gỗ thủ công Mỹ nghệ ở làng nghề Đồng Kỵ, Bắc Ninh. có khoảng gần 30 lao động làm việc, tuy nhiên, thời gian này đang vào vụ gặt nên chỉ có khoảng 6 - 7 lao động là làm thường xuyên, ảnh hưởng rất lớn đến các đơn đặt hàng. Thói quen chỉ làm nghề theo mùa vụ hoặc làm trong những lúc nông nhàn của người dân đã có từ xưa, tuy nhiên, khi các làng nghề đang cố gắng để chuyên nghiệp hơn trong các khâu sản xuất, câu chuyện thiếu lao động đang ngày càng trở thành vấn đề được quan tâm và đã tạo ra không ít khó khăn cho các doanh nghiệp.
Ông Vũ Văn Quý, làng nghề Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Ngoài việc thiếu nhân lực thì còn thiếu những người thợ lành nghề rất lớn. Việc giữ lại người thợ cũng như là truyền nghề cho các lớp thợ thì không phải riêng cá nhân 1, 2 doanh nghiệp làm được mà phải đòi hỏi có một cái tổ chức và sự tham gia của các chính quyền địa phương”.
Theo ước tính của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, đến năm 2008, cả nước có khoảng 11 triệu lao động làng nghề, trong đó có khoảng 4,5 – 5 triệu lao động thường xuyên. Tuy nhiên, sang đến năm 2009, do sự suy thoái kinh tế toàn cầu, hoạt động của các làng nghề bị ảnh hưởng, số lao động lành nghề vẫn thiếu so với yêu cầu. Việc thanh niên ngày càng không mặn mà với nghề truyền thống khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng không ký được hợp đồng với đối tác nước ngoài.
Ông Xuân Cường, nghệ nhân thủ công mỹ nghệ, quận Hà Đông, TP Hà Nội nói: “Tôi rất mong xuất được những đơn đặt hàng lớn nhưng còn có một khó khăn là những thợ làm công việc này bây giờ rất ít, người ta không muốn làm vì công việc này đòi hỏi phải tỉ mỉ và thời gian học nghề lâu. Vì thế, để thực hiện được những dự án lớn là cả một quá trình”.
Việc đào tạo một thợ lành nghề đã khó nhưng, việc giữ cho người thợ ấy gắn bó và nhận thức đúng về nghề lại là cả một quá trình gian nan. Đứng trước việc chảy máu chất xám làng nghề, Hiệp hội làng nghề Việt Nam đã có những đề xuất để tháo gỡ những khó khăn này cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây cũng không phải là chuyện một sớm một chiều.
Ông Lưu Duy Dần, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội làng nghề Việt Namcho biết: Trước tình hình lao động ở nông thôn đang thiếu như vậy, đặc biệt là trong các làng nghề, chúng tôi đã đề xuất và được chính phủ chấp nhận là tham gia đào tạo 1 triệu lao động, năm 2010 dự kiến đào tạo 3000 – 7000 người. Họ học xong là có việc ngay, và trong khi đào tạo không phải đóng một khoản phí nào cả mà thậm chí còn được thu thêm. Tôi tin rằng, việc đó sẽ đảm bảo sức lao động ở nông thôn phát triển tốt hơn”.

Hiệp hội làng nghề Việt Nam cũng cho biết, theo dự tính, các lớp học đầu tiên sẽ được khai giảng vào tháng 8 tới đây tại 13 tỉnh ở miền Bắc và miền Trung. Chắc chắn sẽ cần nhiều hơn nữa những chính sách như thế để “người làng nghề yên tâm sống với nghề hơn”. Tuy nhiên, trước khi bài toán thiếu lao động được giải quyết triệt để vẫn rất cần một nhận thức đúng đắn của người dân về công việc làm nghề.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước