Thiếu vốn, các dự án điện chậm tiến độ

Đặng Tú-Thứ bảy, ngày 18/06/2011 07:34 GMT+7

Thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng Quốc gia của Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho 3 Tập đoàn là Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam cùng tham gia lĩnh vực sản xuất điện năng.

Tuy nhiên, sau 5 năm, kết quả thực hiện theo phê duyệt quy hoạch điện 6 vẫn ở mức thấp. Tổng công suất đưa vào vận hành mới được 9528 MW tương đương 65,3% và phát triển lưới điện truyền tải mới chỉ đạt tỷ lệ khoảng 50% so với yêu cầu đề ra.

Hiện có tới 7 dự án điện lớn đều bị chậm tiến độ. Trong đó thủy điện có 3 dự án là Sông Ba Hạ, Pleikrong, Bản Vẽ. Nhiệt điện cũng có đến 4 dự án như nhiệt điện Hải Phòng 1, Quảng Ninh 1, Sơn Động, Mạo Khê. Trong số này, nhiều dự án đã phải điều chỉnh tiến độ chậm lại một, hai năm, thậm chí có những dự án lên đến trên 3 năm. Sự chậm trễ này đã ảnh hưởng lớn đến tính hình cung cấp của toàn bộ hệ thống điện quốc gia.

Ông Lê Tuấn Phong, Phó Vụ trưởng Vụ Năng lượng - Bộ Công thương nhận định: "Chủ đầu tư còn nhiều khó khăn về vốn, giải phóng mặt bằng nhưng dù sao cũng phải có những biện pháp để tìm các nhà thầu tốt hơn".

Theo quy hoạch phát triển điện năng, dự kiến đến năm 2015 sản lượng điện cả nước phải đạt xấp xỉ 150 tỷ kWh để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế. Như vậy, mỗi năm phải bổ sung khoảng 4.000 MW công suất lắp đặt. Hiện việc phát triển điện vẫn chủ yếu dựa vào 3 nguồn chính: Vốn nhà nước, ngoài quốc doanh và đầu tư nước ngoài. Và vẫn thường thiếu bởi quy mô của các dự án điện thường từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ USD.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội năng lượng VN cho rằng: "Tình trạng thiếu vốn như thế rất nguy hiểm, chỉ tính riêng EVN phải trả cho các nhà thầu đến 400 - 500 ngàn tỷ".

Vốn và nhiều yếu tố khác đã ảnh hưởng đến tiến độ ở nhiều dự án. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia nếu các doanh nghiệp quân tâm đến những kênh huy động vốn khác như phát hành trái phiếu, vay tín dụng xuất khẩu thì vấn đề vốn sẽ bớt căng thẳng hơn. Trong khi nhiều dự án chậm, thì việc thu hút thêm các nguồn lực đầu tư khác cũng không phải là dễ dàng. Bởi lẽ, đến thời điểm này Việt Nam chưa có khung giá mua điện công khai và thống nhất.

Ông Vũ Mạnh Hùng, PGĐ Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam: "Giá điện chưa hấp dẫn nên hạn chế các chủ đầu tư tham gia dự án điện. Tuy nhiên một mặt chúng tôi cố gắng đẩy nhanh tiến độ và tiếp tục đàm phàn với EVN".

Nhằm sớm hoàn thành quy hoạch điện 6 và tiến tới quy hoạch điện 7, Bộ Công thương đang tiếp tục rà soát và áp dụng nhiều biện pháp để giải quyết vấn đề vốn, giải phóng mặt bằng, đơn giản thủ tục đầu tư. Tuy nhiên bộ cũng khẳng định sẽ kiên quyết xử lý các nhà thầu thi công chậm tiến độ và loại bỏ các chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện dự án.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước