Tại cuộc họp chỉ đạo công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 (GMS 6) và Hội nghị Cấp cao hợp tác khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 10 (CLV 10) vào sáng nay (7/3), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, sau thành công của Hội nghị APEC 2017, đây là một trong ba sự kiện đa phương lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam trong năm 2018, là cơ hội để các nhà lãnh đạo trao đổi các vấn đề cùng quan tâm về tăng cường hợp tác đầu tư, thúc đẩy thương mại, bảo đảm an ninh và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong.
Trong 3 ngày diễn ra hội nghị (từ 29-31/3) cũng là dịp để Việt Nam tăng cường hợp tác, liên kết phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan chuẩn bị cả về nội dung và công tác hậu cần, lễ tân, đón tiếp không được chủ quan, phải thận trọng, chu đáo, đảm bảo tổ chức thành công các hội nghị quan trọng này và một lần nữa khẳng định vai trò và uy tín ngày càng cao của Việt Nam trong khu vực.
Thủ tướng cũng lưu ý công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, lợi ích của hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng và khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào -Việt Nam đối với việc phát triển kinh tế của Việt Nam.
Đối với công tác hậu cần phải làm thật chi tiết, cẩn trọng, đảm bảo an ninh, an toàn, sao cho không chỉ bạn bè các nước đến tham dự cảm nhận được sự mến khách, trọng thị của đất nước, con người Việt Nam mà cả người dân Việt Nam cũng hiểu hơn, thấy được ý nghĩa quan trọng của các hội nghị này.
Sáng kiến hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng được khởi xướng từ năm 1992, gồm các nước thành viên Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc (hai tỉnh đại diện là Quảng Tây và Vân Nam).
Trong thời gian qua, hợp tác GMS đã giúp tăng cường kết nối và thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các nước, ứng phó với các thách thức chung của khu vực, từ đó đóng góp thực chất vào phát triển kinh tế, xã hội của các nước thành viên.
Trong khi đó, hợp tác khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam được thành lập từ năm 1999 đã phát huy vai trò là cơ chế gắn kết giữa ba nước láng giềng anh em thân thiết, duy trì môi trường hòa bình, ổn định với trọng tâm là khu vực hợp tác này trải rộng trên 13 tỉnh biên giới của 3 nước, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!