Thủ tướng: Việt Nam cần nhiều Luật sư giỏi

Đăng Học -Thứ ba, ngày 08/12/2009 17:17 GMT+7

Sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc tọa đàm với đại diện giới luật sư Việt Nam do Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức với chủ đề “Vai trò của luật sư Việt Nam trong cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát triển kinh tế và Hội nhập quốc tế”.

Phát biểu mở đầu buổi tọa đàm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định sự đánh giá cao về vai trò, vị trí cũng như những đóng góp của giới Luật sư Việt Nam trong các giai đoạn của lịch sử cách mạng dân tộc. Giới luật sư Việt Nam đã luôn đồng hành cùng đất nước, ngày càng lớn mạnh về số lượng và chất lượng, đóng góp không nhỏ cho quá trình cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Thủ tướng nhấn mạnh: Những yêu cầu trong thời kỳ mới của đất nước đang đặt ra những thách thức đối với sự phát triển của đội ngũ luật sư Việt Nam. Trước hết về số lượng, mặc dù trong 8 năm qua, số lượng luật sư đã tăng gấp 2,5 lần với gần 6.000 người, nhưng so với các nước là quá ít. Việt Nam mới có tỷ lệ 16.000 dân có một luật sư, trong khi một số nước trong khu vực, tỷ lệ này là 1 đến 2 ngàn dân có một luật sư.

Nhận thức công tác đào tạo luật sư là một yêu cầu cấp bách, Thủ tướng cho biết, thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về Cải cách tư pháp, Chính phủ đã có Đề án đào tạo đội ngũ luật sư Việt Nam với mục tiêu đến năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 20.000 luật sư. Về chất lượng, Việt Nam ngày càng cần nhiều hơn những luật sư giỏi, không chỉ tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền, hệ thống pháp luật, bảo vệ Hiến pháp cũng như quyền và lợi ích của công dân, mà còn đủ năng lực hội nhập quốc tế.

Những vấn đề mà Thủ tướng đặt ra cũng chính là những băn khoăn và câu hỏi của giới luật sư Việt Nam. Luật sư Nguyễn Văn Hiền Phúc, Đoàn Luật sư Bình Dương đề nghị Thủ tướng cho biết Nhà nước có chủ trương như thế nào về việc đào tạo đội ngũ luật sư đủ sức và trình độ tham gia tranh tụng quốc tế?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Số lượng tăng nhưng chất lượng chưa đáp ứng so với yêu cầu. Có một số vụ việc thuê 5-10 triệu USD... Để nâng cao số lượng, chất lượng, Liên đoàn Luật sư nên phối hợp với Bộ Tư pháp đẩy mạnh đào tạo, cả trong nước và quốc tế…”.

Luật sư Trần Thị Hải Yến, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội: Chính phủ có cần tư vấn của giới luật sư trước khi ký kết các hợp đồng?...”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tôi yêu cầu phải có luật sư tư vấn trước khi ký kết hợp đồng, nếu không phải thuê tư vấn. Nhu cầu sẽ ngày càng lớn. Tốt nhất là để tự thấy cần đến nhau hơn là để Chính phủ ra một quy định bắt buộc nào đấy…”

Vấn đề hành nghề của Luật sư cũng là một nội dung được quan tâm. Luật sư Trần Mỹ Thoa, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Hoạt động tranh tụng trong các vụ án hình sự chiếm phần lớn thời gian hoạt động của luật sư Việt Nam; tuy nhiên, Luật sư rất khó khăn trong việc gặp gỡ bị can ở giai đoạn điều tra, điều này sẽ rất khó cho Luật sư trong việc bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Luật sư được tham gia ngay từ đầu, ngay trong quá trình điều tra, sửa đổi Luật Tố tụng Hình sự sẽ làm rõ vấn đề này. Liên đoàn Luật sư cần phối hợp với Bộ Công an xây dựng quy chế, vừa đảm bảo yêu cầu điều tra, vừa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân”.

Luật sư Nguyễn Lịch, Đoàn Luật sư Phú Thọ cho rằng: Khiếu kiện, khiếu nại hành chính, Luật sư bị gây khó dễ…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Cái này sẽ sửa Luật khiếu nại, tố cáo, sẽ xây dựng Luật Khiếu nại riêng. Và sẽ xây dựng Luật Tố tụng Hành chính…”.

Trả lời câu hỏi về giải pháp huy động luật sư trong việc tham gia xây dựng pháp luật, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Bộ Tư pháp và Liên đoàn Luật sư Việt Nam phối hợp và xây dựng quy chế để đảm bảo sự tham gia của giới luật sư trong quá trình xây dựng pháp luật.

Thủ tướng cũng ghi nhận đề nghị của giới Luật sư về việc không chỉ coi Liên đoàn Luật sư Việt Nam là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp đơn thuần. Tuy nhiên, trước mắt để nâng cao vai trò, vị trí của mình, Liên đoàn cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan để xây dựng các quy chế nhằm đàm bảo hiệu quả cho quá trình hoạt động.

Cuối cùng, Thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý việc Liên đoàn cần nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế để thông qua đó, thực hiện yêu cầu bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích của doanh nghiệp và công dân Việt Nam, đặc biệt là tham gia bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ bằng luật pháp.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước