Thưa Quốc hội, cho tôi được nói thẳng!

Thùy An-Thứ sáu, ngày 28/06/2019 17:23 GMT+7

VTV.vn - Không khí dân chủ, sự thẳng thắn, tinh thần tiếp thu được xem là điểm nổi bật nhất tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

7 dự án Luật, cùng 4 Nghị quyết được thông qua là kết quả của 20 ngày làm việc tại Kỳ họp thứ 7. Tuy nhiên để đạt được thành quả này, Quốc hội thực sự đã phải trải qua những phiên thảo luận, những phần chất vấn nóng bỏng, thậm chí là gay gắt.

Khi đại biểu "truy" Bộ trưởng

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, tại Kỳ họp thứ 7 lần này, trong phiên thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), lần đầu tiên ghi nhận việc cuối giờ vẫn còn 54 đại biểu đăng ký mà chưa được phát biểu.

Một thống kê đáng chú ý khác, sau 2,5 ngày chất vấn đã có đến 230 lượt đại biểu Quốc hội chất vấn và tranh luận. Những con số này đủ để thấy, các trưởng ngành đã phải "vất vả" với các đại biểu Quốc hội như thế nào.

Thưa Quốc hội, cho tôi được nói thẳng! - Ảnh 1.

Không phải là 1 trong 4 tư lệnh nghành trả lời chất vấn, song Bộ trường Phùng Xuân Nhạ đã phải đón nhận "một rừng" các câu hỏi liên quan đến những sai phạm trong kỳ thi THTPT Quốc gia 2018

Không phải là 1 trong 4 trưởng ngành phải trả lời chất vấn trước Quốc hội, nhưng tại các phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ đã phải đón nhận "một rừng" các câu hỏi liên quan đến những sai phạm trong kỳ thi THTPT Quốc gia 2018.

"Tiếp xúc với cử tri trước kỳ họp này, rất nhiều cử tri có ý kiến phàn nàn về chất lượng giáo dục, về bệnh thành tích cũng như tiêu cực trong giáo dục. Điều đó cho thấy người dân không những không yên tâm mà còn mất niềm tin với giáo dục. Thử hỏi rằng rồi nên giáo dục của chúng ta sẽ đi về đâu khi mà hiện trạng giáo dục như vậy.

Quay lại với sai phạm trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2018, tôi dám chắc Bộ GD&ĐT chưa thấy hết hệ quả tệ hại mà sai phạm đó mang lại. Nó khiến cho xã hội mất niềm tin vào giáo dục nước nhà. Là người tổ chức kỳ thi do chính mình xây dựng và tiến hành nhưng bộ không kiểm soát được tình hình.

Ngay cả sai phạm khi xảy ra, không phải bộ phát hiện mà do một nhóm các thầy giáo ở Hà Nội phát hiện, tố giác rồi bộ mới vào cuộc. Nhưng điều đáng nói hơn là khi làm rõ được sai phạm thì việc công khai danh tính của những học sinh và phụ huynh liên quan đến sai phạm thì Bộ không có chính kiến rõ ràng vì cho rằng nào là nhạy cảm, nào là nhân văn, nhưng tất cả những mất mát lớn nhất của vụ việc này là mất đạo đức xã hội. Chỉ khi xử lý triệt để vụ này thì mới lấy lại niềm tin của người dân và để người dân tin rằng đất nước này vẫn còn pháp luật...", Đại biểu Đoàn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) phát biểu trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội.

Thưa Quốc hội, cho tôi được nói thẳng! - Ảnh 2.

Đại biểu Thái Trường Giang (đoàn Cà Mau)

Gay gắt hơn, cũng trong phiên thảo luận, đại biểu Thái Trường Giang (đoàn Cà Mau) đã cho biết những gian lận trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 là "hành vi ăn cắp".

"Nếu như trước kia tiêu cực trong thi cử chỉ diễn ra nhỏ lẻ thì ngày nay chuyển thành gian lận có tổ chức, quy mô lớn hơn, tinh vi hơn và diễn ra ở nhiều địa phương do những người có chức, có quyền, có tiền, có thế lực trong và ngoài ngành giáo dục thực hiện.

Tôi có thể gọi hành động gian lận thi cử năm 2018 là hành vi ăn cướp, là vô liêm sỉ vì đã đánh mất cơ hội và tương lai của các cháu học thật, thi thật. Hành động gian lận thi cử đang làm băng hoại nền tảng xã hội, nền giáo dục nước nhà", đại biểu Giang cho biết.

Đi sâu hơn vào nguyên nhân dẫn đến những gian lận thi cử 2018, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng đây là lỗi hệ thống, lỗi quy trình rất cần có người chịu trách nhiệm trước nhân dân...

Trước những bức xúc của người dân được thể hiện thông qua các phần phát biểu của đại biểu, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã đứng trước Quốc hội nhận trách nhiệm về mình vì những sai phạm trong kỳ thi năm 2018.

"Về phía Bộ GD&ĐT, cá nhân tôi là Bộ trưởng, là phụ trách ngành, tôi xin nhận trách nhiệm và thiếu xót", người đứng đầu của ngành giáo dục cho biết.

Khi Bộ trưởng tiếp thu

Trong phiên thảo luận vào ngày 12/6, rất nhiều đại biểu đã thể hiện quan điểm không đồng tình với đề xuất cả nước nghỉ lễ vào ngày 27/7 (Ngày thương binh, liệt sĩ) trong Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

"Nếu lấy đó là ngày nghỉ thì theo tôi cần cân nhắc kỹ, vì đây là tình cảm của người này nhưng có thể động chạm đến nỗi buồn của người khác. Nghỉ 27/7 để tổ chức các hoạt động tri ân trong bối cảnh ấy thì có nên không, có tác động gì đến tư tưởng, tình cảm của người dân và khối đại đoàn kết dân tộc hay không?", ông Cao Đình Thưởng (đoàn Phú Thọ) phát biểu.

Đồng quan điểm với ông Thưởng, đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn Hải Dương) cho rằng theo tinh thần hòa giải và đại đoàn kết toàn dân tộc, không nên nhắc lại những gì đau thương với các gia đình có người thân mất mát trong chiến tranh.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) thì nhấn mạnh rằng Bộ LĐ-TB&XH nên để ngày 27/7 là ngày thương binh, liệt sĩ như lâu nay.

"Đề xuất ngày 27/7 là Ngày tri ân nghe qua có vẻ rất hay nhưng nghĩ lại thì không ổn. Gọi là tri ân người có công thì không bao quát hết, vì bố mẹ, thầy cô giáo… cũng là người có công với chúng ta. Ở đất nước tốn rất nhiều xương máu mới có độc lập, tự do như Việt Nam, xin để 27/7 là ngày thương binh, liệt sĩ như lâu nay", ông Trí nhấn mạnh.

Thưa Quốc hội, cho tôi được nói thẳng! - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung

Với những phản biện đến từ các đại biểu, đề xuất ngày 27/7 trở thành ngày nghỉ lễ đã được rút lại sau phát biểu của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung.

"Về ngày 27/7 là ngày nghỉ trong dự thảo đề cập nêu rõ vấn đề ý nghĩa, tính nhân văn nhưng qua ý kiến đại biểu phát biểu hôm nay và Chính phủ tiếp thu lắng nghe và Chính phủ xin Quốc hội chính thức rút nội dung này ra khỏi dự thảo", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Phí "chia tay" và tính phản biện

Trong Kỳ họp thứ 6, tính phản biện rất cao đã được thể hiện qua màn "đấu khẩu" của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng và Nguyễn Hữu Cầu về nội dung "Vi phạm của cơ quan điều tra rất khủng khiếp". Tạo Kỳ họp thứ 7, tính phải biện cao tiếp tục được chứng minh trong các phiên làm việc của Quốc hội.

Ngày 12/6, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (đoàn Hà Nội) gây nóng tại nghị trường khi đê xuất phía "chia tay". Đại biểu này cho rằng, mỗi công dân cần nộp một khoản phí khi xuất cảnh gọi là phí du lịch hay còn gọi là phía "chia tay". Ông Hưng đề xuất 3 - 5 USD/người cho phí "chia tay" khi mỗi công dân ra nước ngoài.

Thưa Quốc hội, cho tôi được nói thẳng! - Ảnh 4.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (đoàn Hà Nội)

"Số tiền thu được có thể được dùng để các cơ quan ngoại giao có kinh phí bảo hộ công dân Việt Nam, hỗ trợ công dân ra nước ngoài gặp khó khăn.

Một phần được cơ quan xuất nhập cảnh Việt Nam đầu tư nâng cấp máy móc cũng như các hạng mục khác để công dân xuất cảnh tốt hơn chu đáo hơn, thân thiện hơn. Các chiến sĩ khi công dân xuất nhập cảnh thì tươi cười, vui vẻ, ân cần hơn. Một phần nữa cho quỹ xúc tiến phát triển du lịch để quảng bá đẩy mạnh du lịch nước nhà", ông Hưng cho biết.

Ngay sau phần phát biểu của đại biểu Hưng, rất nhiều các ý kiến phản biện đã được đưa ra.

"Tôi không đồng ý với đề xuất này, ngành du lịch phải nghĩ cách làm sao giảm phí cho người dân, kể cả miễn visa cho khách du lịch… thì mới thu hút du lịch.

Tại sao lại "phí chia tay", đã làm được gì cho người dân mà đòi thu phí. Trong khi đó, trách nhiệm của ngành du lịch, đất nước ta là đất nước có tiềm năng về ngành du lịch mà cứ loay hoay "ăn xổi ở thì" là không được", đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) đưa ra quan điểm về phí "chia tay" của đại biểu Hưng.

Không gay gắt như đại biểu Lan, đại biểu Phạm Tất Thắng (đoàn Vĩnh Long) cho rằng "Ý kiến đề xuất là quyền của đại biểu còn đề xuất đó có nhận được sự ủng hộ hay không còn phụ thuộc vào quá trình các cơ quan chức năng, cơ quan soạn thảo phải thẩm định, đánh giá tác động. Bản thân đề xuất đó phải thuyết phục thì mới thuyết phục được số đông ĐBQH thông qua, đưa vào luật thành một chính sách".

Đáng chú ý, trong buổi họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 7, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng đã nêu quan điểm cá nhân về phí "chia tay".

"Đại biểu phát biểu, cơ quan soạn thảo tiếp thu và sẽ có trao đổi. Còn có đưa ra Quốc hội hay không sẽ giải trình sau. Cá nhân tôi, tôi không đồng tình. Không thể thu thêm bất cứ loại phí nào nữa lên người dân", Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.

Những phản biện này một lần nữa cho thấy nguyên tắc làm việc tập trung dân chủ của Quốc hội. Nơi mà mọi đề xuất, ý kiến đều được ghi nhận. Nhưng để được thông qua, mọi đề xuất cần phải được dựa trên nguyên tắc đa số.

Quốc hội không "lăn tăn"

Ngày 14/6, ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thông qua quy định đã uống rượu bia thì không lái xe. Việc thông qua này được đánh giá là sự lắng nghe của Quốc hội trước mong muốn của người dân trong mục tiêu giảm thiểu tối đa những hậu quả đáng tiếc do bia rượu gây  nên.

Trước đó vào ngày 3/6, Quốc hội đã không qua chính quy định này dù đã các đại biểu đã được lấy ý kiến với 2 phương án: "Cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn" và "Cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông".

"Tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, dư luận, mong muốn của cử tri gửi đến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tha thiết đề nghị Quốc hội cho bổ sung vào Điều 5 về các hành vi bị nghiêm cấm một khoản ghi rõ cấm: ‘Điều 6: Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn’, tức là đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông", bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội đọc tờ trình hôm 14/6.

Thưa Quốc hội, cho tôi được nói thẳng! - Ảnh 5.

Quy định uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông đã được thông qua với tỷ lệ nhất trí cao 77,27%

Và khi lấy ý kiến, quy định uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông đã được thông qua với tỷ lệ nhất trí cao 77,27%.

"Việc thông qua quy định uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông là câu trả lời cho một số thông tin cho rằng chính Quốc hội đang lăn tăn về vấn đề này.

Quốc hội không lăn tăn, Quốc hội rất nghiêm túc", đại biểu Nguyễn Mai Bộ (đoàn An Giang) nhấn mạnh.

"Việc Quốc hội thông qua quy định này thể hiện Quốc hội đã lắng nghe ý kiến của người dân. Và đây là một quyết định hợp với lòng dân", ông Nguyễn Duy Nguyên, một người dân tại quận Thanh Xuân, Hà Nội đánh giá việc Quốc hội thông qua quy định uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông.

Thưa Quốc hội, cho tôi được nói thẳng! - Ảnh 6.

Sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội tiếp tục khẳng định mình là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam

Không nhiều nội dung được xem là nóng như Kỳ họp thứ 6, nhưng với kết quả đạt được sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khẳng định mình là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Tại đây Quốc hội tiếp tục thể hiện vai trò của mình trong quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước